Thứ sáu,  20/09/2024

Những viên gạch hồng

LSO- Từ khi tôi còn chưa sinh, ông đã là nhà báo nổi tiếng lắm rồi. Già nửa thế kỷ cầm máy, cầm bút, qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của quê hương Xứ Lạng trong thời kỳ đổi mới, nhà báo lão thành, phóng viên chuyên ảnh Vũ Bách trở thành một tư liệu sống của Lạng Sơn với những hình ảnh trong vòng 50 năm qua.Đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà trí nhớ của nhà báo Vũ Bách còn tốt lắm. Ông cầm máy cho tờ tin Lạng Sơn từ năm 1959, tất cả đều là tự học từ kỹ thuật chụp đến cả việc làm ảnh. Trong thời kỳ đó, phóng viên ảnh Vũ Bách kiêm cả việc quản lý buồng tối làm ảnh, đi Hà Nội làm ảnh kẽm, mua vật tư ảnh và xin chỉ tiêu giấy in theo kế hoạch được nhà nước phân phối. Từ năm 1962, ảnh của ông đã được gửi cho Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, cứ mỗi lần gửi, đổi lại ông được các báo gửi thêm phim để chụp,...

LSO- Từ khi tôi còn chưa sinh, ông đã là nhà báo nổi tiếng lắm rồi. Già nửa thế kỷ cầm máy, cầm bút, qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của quê hương Xứ Lạng trong thời kỳ đổi mới, nhà báo lão thành, phóng viên chuyên ảnh Vũ Bách trở thành một tư liệu sống của Lạng Sơn với những hình ảnh trong vòng 50 năm qua.




Đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà trí nhớ của nhà báo Vũ Bách còn tốt lắm. Ông cầm máy cho tờ tin Lạng Sơn từ năm 1959, tất cả đều là tự học từ kỹ thuật chụp đến cả việc làm ảnh. Trong thời kỳ đó, phóng viên ảnh Vũ Bách kiêm cả việc quản lý buồng tối làm ảnh, đi Hà Nội làm ảnh kẽm, mua vật tư ảnh và xin chỉ tiêu giấy in theo kế hoạch được nhà nước phân phối. Từ năm 1962, ảnh của ông đã được gửi cho Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, cứ mỗi lần gửi, đổi lại ông được các báo gửi thêm phim để chụp, ấy coi như là một khoản nhuận bút. Xem cái kho ảnh tư liệu của ông, có cả cái đã công bố, cái chưa công bố, bậc “tiểu” hậu bối như tôi như cảm nhận được hơi thở của lịch sử, nhìn Lạng Sơn cách đây hơn nửa thế kỷ và Lạng Sơn ngày nay để có nhiều cảm nhận về cái hào hùng thời xưa ấy, để so sánh và để thêm yêu quê hương Xứ Lạng hơn. Trong cái kho ảnh ấy, tác phẩm tâm đắc nhất của Vũ Bách chính là tác phẩm “sức sống trong vùng huỷ diệt”. Bức ảnh này ông chụp tại Đèo Bén (Chi Lăng) năm 1972, thời gian mà Mỹ đang đánh bom rải thảm. Ông Bách hồi tưởng: Khi ấy Mỹ đang đánh bom rất rát ở khu vực Đồng Mỏ, Làng Đăng, Đèo Bén của Chi Lăng; sau một loạt bom ở Đèo Bén, tôi có mặt ở đó, chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát dưới những hố bom sâu hoắm, sau loạt bom ấy nơi đây hầu như chẳng còn gì, ấy vậy mà trong tĩnh lặng, tai tôi chợt nghe bên cạnh mình có tiếng sáo du dương. Phóng viên Vũ Bách đã kịp ghi lại hình ảnh cậu bé ngồi trên cửa hang thổi sáo ngay cạnh những hố bom huỷ diệt. Thế mới thấy, vũ khí hạng nặng, chiến tranh huỷ diệt cũng chẳng thể nào vùi dập nổi tinh thần của nhân dân ta. Với ý chí đó của dân tộc thì những chiến thắng chấn động địa cầu đâu có gì là lạ. Bức ảnh lịch sử đó đã nhận được Bằng khen của cuộc triển lãm ảnh quốc tế tại Praha năm 1973.





Nét đẹp vùng cao Ảnh: Linh Chí Thiện

Già nửa thế kỷ làm báo ông đúc rút ra một điều: Tiêu chí số 1 của nhà báo là phải trung thành với Tổ quốc, hết lòng vì nhân dân, chỉ đơn giản vậy thôi. Thế hệ làm báo cùng với Vũ Bách giờ chẳng còn nhiều, thời gian trôi qua nhưng họ vẫn mãi là những viên gạch hồng, những người đặt những nền tảng đầu tiên để cho các thế hệ phóng viên tiếp tục phát huy, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương Xứ Lạng.


Vũ Lê Minh