Thứ sáu,  20/09/2024

Nỗi niềm những cô giáo "bản cao"

LSO-Căn phòng chưa đầy 14m2 với 3 chiếc giường đơn sơ, còn lại là sách, giáo án, đồ dùng cá nhân được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Đó là căn phòng nhỏ dành cho 5 giáo viên dạy học ở điểm trường Nà Xỏm, thuộc thôn Nà Xỏm, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình. Vẫn biết công tác ở xã vùng 3 xa xôi, khó khăn là một thiệt thòi cho mình nhưng họ vẫn luôn yêu nghề, tận tuỵ với học sinh thân yêu, và niềm hạnh phúc nhất đối với người giáo viên nơi đây là mỗi khi lên lớp không có học sinh nào vắng mặt ...Thôn Nà Xỏm là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Lợi Bác gần 20km đường đồi núi dốc, quanh co và cũng rất hẻo lánh. Nếu ai đã từng đặt chân đến đây có lẽ sẽ than vãn vì đường đi quá xa, lại khó khăn, nhất là mỗi khi mùa mưa đến. Nhưng với những người giáo viên nơi đây, quãng đường đó chẳng thấm vào đâu khi có một nhiệt huyết yêu nghề, yêu học sinh. Cô Hoàng Thị Hoa, mới được phân công công tác ở...

LSO-Căn phòng chưa đầy 14m2 với 3 chiếc giường đơn sơ, còn lại là sách, giáo án, đồ dùng cá nhân được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Đó là căn phòng nhỏ dành cho 5 giáo viên dạy học ở điểm trường Nà Xỏm, thuộc thôn Nà Xỏm, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình.
Vẫn biết công tác ở xã vùng 3 xa xôi, khó khăn là một thiệt thòi cho mình nhưng họ vẫn luôn yêu nghề, tận tuỵ với học sinh thân yêu, và niềm hạnh phúc nhất đối với người giáo viên nơi đây là mỗi khi lên lớp không có học sinh nào vắng mặt …
Thôn Nà Xỏm là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Lợi Bác gần 20km đường đồi núi dốc, quanh co và cũng rất hẻo lánh. Nếu ai đã từng đặt chân đến đây có lẽ sẽ than vãn vì đường đi quá xa, lại khó khăn, nhất là mỗi khi mùa mưa đến. Nhưng với những người giáo viên nơi đây, quãng đường đó chẳng thấm vào đâu khi có một nhiệt huyết yêu nghề, yêu học sinh. Cô Hoàng Thị Hoa, mới được phân công công tác ở điểm trường Nà Xỏm được 2 năm, cô tâm sự: bên cạnh việc đi lại xa, đường khó thì đến nay, thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia, điều này ảnh hưởng khá nhiều trong việc học sinh về nhà học bài, làm bài, giáo viên soạn giáo án khi trời tối. Điều khó nữa là học sinh nơi đây đều là người dân tộc Dao, các em đến lớp học toàn nói tiếng Dao, nên giáo viên vào dạy đều phải nhờ phiên dịch. Đây cũng là một trở ngại trong việc giảng dạy cũng như tạo mối quan hệ thân thiết giữa thầy và trò. Còn nói về cuộc sống hàng ngày của giáo viên nơi đây thì thiếu thốn trăm bề. Về mùa khô còn đỡ, nếu là mùa mưa, có những tuần ở chẳng có gì ăn, vì đường xa, mưa xuống không thể đi được. Có những lúc hết sạch thức ăn, giáo viên đến nhà dân xin ít gạo, sắn về dùng.
Không phàn nàn về cuộc sống vất vả, về nỗi buồn cô quạnh, ngày qua ngày, những giáo viên cắm bản cứ thầm lặng đưa con chữ đến với học sinh…. Nỗi niềm của họ được bộc bạch qua những dòng nhật ký, bên ánh đèn ngồi soạn bài khi đêm xuống và những tuần mưa không về nhà. Với họ, hạnh phúc là được hy sinh. Được biết, những học sinh ở đây rất chăm chỉ học bài, nhiều em học khá, đặc biệt là môn Văn, giọng đọc rất diễn cảm… Song vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều học sinh bỏ học, ở nhà giúp đỡ cha mẹ vào mùa làm nương. Những ngày rét đậm, lớp vắng rất nhiều, vì các em xa nhà, áo không đủ ấm, bỏ học. Mùa mưa cũng vậy, nhà cách xa trường học, đường trơn khiến các em không thể cắp sách đến trường. Những lúc như vậy, giáo viên phải đến tận nhà vận động học sinh đến lớp, vô cùng vất vả. Gọi là lớp học, nhưng lớp học ở đây thật tuềnh toàng, chắp vá, tối tăm vì mái thấp, tường trát đất, nền lớp học thì chỗ lồi, chỗ lõm… Bàn ghế thì cọc cạch, cũ kĩ, không đồng bộ, nhiều em viết bài phải đứng. Cô giáo Hoàng Thị Thuỷ cho biết: Điểm trường Nà Xỏm có 6 lớp học, trong đó có một lớp bổ túc và một lớp mẫu giáo, mỗi lớp chỉ vẻn vẹn có 7 học sinh, nhiều hôm có 3 em đến lớp nhưng giaó viên vẫn phải giảng dạy bình thường.
Không thể nói hết những hi sinh thầm lặng của những người giáo viên cắm bản vùng cao. Họ cứ lặng lẽ làm công việc của mình, không chờ vinh danh, không đợi ghi công. Vùng cao trở thành nơi thử thách ngọn lửa nhiệt tình của người trẻ. Cái chữ được gieo mầm, hé lộ tương lai đổi thay cho những bản vùng cao xa xôi. Hạnh phúc thì có thể dễ dàng nhận ra, nhưng nỗi niềm của những giáo viên “cắm bản” thì không phải ai cũng hiểu…

Phan Huy