Thứ sáu,  20/09/2024

Người tự nguyện làm dâu trăm họ

LSO-Ngồi lẫn với các đại biểu về dự hội nghị là một phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu, mắt lấp lánh ánh cười. Đó là chị Phùng Thị Kim trú tại khu Sơn Hà, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. Chị Kim vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, lại không được học hành đến nơi, đến chốn, lấy chồng cuộc sống tuy có khá giả hơn nhờ làm ăn chăm chỉ và khéo thu vén nhưng cũng chỉ gọi là đủ ăn. Năm học 2006-2007, Trường Tiểu học thị trấn Na Dương có chủ trương mở thí điểm một lớp bán trú cho 20 học sinh. Nhà trường tổ chức họp phụ huynh, thông báo tìm người nấu ăn cho các cháu. Chị Kim là phụ huynh có con học lớp 2 tại trường, đã tự nguyện nhận công việc này mà không nhận thù lao với suy nghĩ mộc mạc đầy tính nhân văn: “Vì tôi thấy phần lớn học sinh của trường là con em nông dân và con em của những người đi gánh gạch thuê, phải lao động vất vả lại rất nghèo mà tôi thì vẫn có...

LSO-Ngồi lẫn với các đại biểu về dự hội nghị là một phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu, mắt lấp lánh ánh cười. Đó là chị Phùng Thị Kim trú tại khu Sơn Hà, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình.
Chị Kim vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, lại không được học hành đến nơi, đến chốn, lấy chồng cuộc sống tuy có khá giả hơn nhờ làm ăn chăm chỉ và khéo thu vén nhưng cũng chỉ gọi là đủ ăn. Năm học 2006-2007, Trường Tiểu học thị trấn Na Dương có chủ trương mở thí điểm một lớp bán trú cho 20 học sinh. Nhà trường tổ chức họp phụ huynh, thông báo tìm người nấu ăn cho các cháu. Chị Kim là phụ huynh có con học lớp 2 tại trường, đã tự nguyện nhận công việc này mà không nhận thù lao với suy nghĩ mộc mạc đầy tính nhân văn: “Vì tôi thấy phần lớn học sinh của trường là con em nông dân và con em của những người đi gánh gạch thuê, phải lao động vất vả lại rất nghèo mà tôi thì vẫn có thời gian rảnh rỗi lúc buổi trưa. Nấu cơm cho các cháu cũng là giúp đỡ những người mẹ nghèo, để họ yên tâm kiếm tiền, đong gạo nuôi con.” Chị đã khéo léo trong chi tiêu, nên chỉ với 5.000đ/một suất cơm chị vẫn có cơm ngon, canh ngọt và có thêm khi thì thịt, đậu, lúc thì cá tươi, đảm bảo cung cấp đủ chất và thức ăn hợp vệ sinh cho các cháu. Lúc đầu chỉ có 20 cháu đăng ký học bán trú, sau thấy chị Kim nấu ăn ngon lại hợp vệ sinh, các bậc phụ huynh đã tin tưởng, đăng ký cho con học bán trú ngày càng đông. Đến nay, bếp của chị Kim đã có 75 suất cơm/ngày, mỗi suất 6.000đ. Trước sự đóng góp công sức nhiệt tình, vô tư của chị Kim, nhà trường đã tạo điều kiện cho chị được đi dự lớp tập huấn về “Vệ sinh, an toàn thực phẩm” tại Trung tâm y tế huyện. Do nhà trường chưa có bếp để nấu ăn cho học sinh, chị Kim đã phải nấu từ nhà rồi mang đến trường phục vụ các cháu. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị Kim luôn cố gắng cho các cháu ăn đúng giờ. Ngoài việc nấu cơm, chị còn đun đủ nước uống cho các cháu. Nếu tính giá trị công lao động là 700.000đ/tháng thì tổng giá trị tiền công mà chị Kim đóng góp cho trường Tiểu học Na Dương từ tháng 9/2006 đến tháng 12/2009 là 21.000.000/đ (hai mươi mốt triệu đồng). Với một gia đình nông dân có mức sống còn khiêm tốn như gia đình chị Kim thì số tiền công lao động trên đây quả là một khoản tiền đáng kể, đủ để chị trang trải cho cuộc sống gia đình. Giờ giải lao của hội nghị, tôi tìm gặp chị, nắm bàn tay nhỏ nhắn, ấm nóng của chị, tôi hỏi: “Nhà nông vốn đã nhiều việc, lại còn nhận nấu ăn giúp nhà trường, chắc em vất vả lắm?” Chị Kim nói với tôi trong tiếng cười giòn: “Vất vả vì các cháu thì em không ngại, em cứ nghĩ: Giá các cháu biết có người quan tâm đến chúng mà chúng cố gắng học tập tốt hơn thì hay biết mấy!”

Chia tay chị Kim, tôi mang theo khuôn mặt đôn hậu và ánh cười rạng rỡ của chị. Một năm học mới lại bắt đầu với thầy trò Trường tiểu học thị trấn Na Dương và cũng bắt đầu một năm lao động miệt mài, lặng lẽ vì bữa ăn hàng ngày cho các cháu của “mẹ Kim”.

Hoàng Kim Dung