Thứ năm,  19/09/2024

Người “chèo đò” năm xưa

LSO-Tôi biết bà tại “Hội nghị biểu dương gia đình khuyến học; dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học” của huyện Hữu Lũng, ngày 19-6-2013.

LSO-Tôi biết bà tại “Hội nghị biểu dương gia đình khuyến học; dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học” của huyện Hữu Lũng, ngày 19-6-2013. Cả hội trường im lặng, chăm chú lắng nghe bản báo cáo thành tích của bà. Sau đó là những tràng vỗ tay kéo dài như để ca ngợi và thán phục một nhà giáo đầy nghị lực.  Bà tên là Hoàng Thị Đại, dân tộc Nùng, giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu. Sau hội nghị ít ngày, tôi hẹn gặp bà tại nhà riêng ở thôn Đồng Xa, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng. Cùng với bà, tiếp tôi có ông Hoàng Văn Phương, Trưởng thôn Đồng Xa. Ông Phương nói với tôi: là một thành viên trong cộng đồng dân cư, lúc còn công tác hay khi đã nghỉ hưu, gia đình bà Đại luôn giữ được tâm đức của một nhà giáo, sống chân tình, giản dị, đoàn kết thân ái với bà con xóm làng. Gia đình bà luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đóng góp đầy đủ các quỹ xây dựng địa phương cũng như ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ đền ơn đáp nghĩa… Có lần tôi được nghe ông Tô Văn Quyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Yên Bình nhận xét về bà: là một nhà giáo, bà luôn tâm huyết lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”; không những chỉ truyền đạt kiến thức văn hóa cho các em, bà còn rất quan tâm đến việc dạy dỗ đạo đức cho lớp lớp học sinh của bà.

Trong việc giáo dục con cái, bà luôn khuyến khích các con thi đua cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức, luyện tài. Bù lại cho những công lao, dưỡng dục của cha mẹ, nay các con của ông bà đã khôn lớn và trưởng thành. Cả bốn người con của ông bà đều có trình độ đại học, cô con gái đầu lòng Hoàng Thị Luyến hiện là giáo viên Trường Trung học phổ thông xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng. Thời gian học ở trường Đại học Thái Nguyên, Luyến được trao tặng học bổng Vừ A Dính vì có thành tích vượt khó, học giỏi. Con thứ hai Hoàng Thị Liên, kỹ sư xây dựng hiện đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn. Con thứ ba sinh viên năm thứ 5 trường Đại học Y – dược Thái Nguyên. Con thứ tư Hoàng Hồng Quân cũng đang học năm thứ 4 trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, liên tục đạt danh hiệu “sinh viên 5 tốt” của nhà trường. Bà Hoàng Thị Đại nhớ lại: những năm đầu ông bà về chung sống với nhau, kinh tế gia đình khó khăn lắm. Các con còn nhỏ dại, mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình đều nhờ vào đồng lương khiêm tốn. Ông bà vừa phải kiếm tiền thêm bằng nhiều nghề, nhiều việc, như chăn nuôi con lợn, con gà, bới đất, lật cỏ để trồng cây ngô, cây sắn mới đủ sống và có thêm tiền mua sách vở, giấy bút cho các cháu học tập. Thời kỳ này, chồng bà, ông Hoàng Văn Đồng còn đang tại ngũ, đóng quân ở mãi biên giới xa xôi, ít có điều kiện về giúp đỡ vợ con… Vậy là đôi vai nhỏ của bà càng nặng gánh gia đình hơn. Ngừng một lát với giọng cảm động, bà nói tiếp: cái hy vọng cho các con đi học để sau này đỡ khổ của tôi tưởng chừng không thể thực hiện được. Nhìn bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học mà thiếu thốn mọi điều, tôi đau lòng lắm. Từ tuyến đầu Tổ quốc, thỉnh thoảng anh viết thư về nhắc tôi “…bằng bất cứ giá nào cũng cố cho các con được học hành…”.Được anh động viên như có thêm sức mạnh, tôi đã vượt qua những ngày gian khó khi không có anh bên cạnh.

Có lẽ ý chí của ông bà đã chuyền sang các con nên ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, các con của bà đều chăm chỉ học hành, cháu nào cũng học giỏi, cuối năm đều đạt cháu ngoan Bác Hồ và được nhà trường khen thưởng. Ngoài giờ học, các con bà lại cùng mẹ cặm cụi cuốc đất, nhổ cỏ để sản xuất tăng gia, tăng thêm thu nhập, vượt khó đi lên. Còn bây giờ đã lớn, mỗi khi được nghỉ “việc nước” về thăm bố mẹ, khi cần, đúng vụ mùa màng bận rộn, các anh các chị lại sẵn sàng làm “thợ cày”, “thợ cấy” giúp bố mẹ. Bà còn cho tôi biết thêm: trong gia đình, các con của bà từ nhỏ đến lớn, đi đâu, làm gì cũng phải thưa gửi lễ phép. Xin đi đâu, làm gì đến bao giờ về thì phải thực hiện đúng như vậy, có như thế nếp nhà mới yên, con cháu mới biết kính trọng ông bà, cha mẹ.  Ông Trưởng thôn Hoàng Văn Phương còn cho biết thêm: năm 2012, gia đình bà giáo Hoàng Thị Đại đã hiến cho xã trên 20m2 đất để mở rộng con đường vào khu trường học của xã mà không lấy một đồng bồi thường.  Gần 30 năm làm nghề “chèo đò” bà Hoàng Thị Đại nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được ngành giáo dục và cấp trên khen thưởng, và ngày 28 tháng 6 năm 2013 bà vinh dự được đi dự Đại hội biểu dương gia đình, dòng họ hiếu học; cộng đồng khuyến học tiêu biểu tỉnh Lạng Sơn lần thứ II tại thành phố Lạng Sơn.

Gia đình bà giáo Hoàng Thị Đại là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của xã Yên Bình, xứng đáng là tấm gương sáng để cho mọi người học tập và noi theo.

TRƯƠNG THỌ