Thứ năm,  19/09/2024

Nỗ lực thoát nghèo của người đàn ông tật nguyền

LSO-Cơ thể không lành lặn, sống trong một gia cảnh khốn khó nhưng nhiều năm qua, ông Lường Văn Thỉu, dân tộc Tày, ở tại thôn Nam Hương I, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Thỉu chăm sóc đàn bò sinh sản

Giọng rưng rưng, ông kể: “Tôi sinh năm 1961, lên 6 tuổi thì bị sốt cao và co giật nên bây giờ dù đã ngoài 50 tuổi cũng chỉ nặng khoảng 30 kg và cao chưa bằng đứa trẻ lên năm. Để đi lại được  tôi phải lấy một khúc gỗ nhỏ thay thế cho một bên chân bị yếu, nhiều lúc cũng tủi và nghĩ quẩn lắm, nhưng rồi thấy bố mẹ vất vả nuôi 9 anh chị em lớn khôn mà mình lại thành gánh nặng thì không được, tôi đã quyết tâm phải vượt qua bản thân để giúp đỡ gia đình”. Nghĩ là làm, sau khi lấy vợ, năm 2000, ông  và vợ bắt đầu cuộc sống tự lập.

Được bố mẹ chia cho 5 sào ruộng, hằng ngày, vợ chồng ông làm quần quật mà vẫn không đủ ăn, nhất là từ khi đứa con gái nhỏ ra đời, cuộc sống càng thêm túng quẫn. Nhiều năm liền gia đình ông luôn trong danh sách hộ nghèo của xã, cái đói, cái nghèo cứ đeo riết lấy hai vợ chồng, nhìn nhà cửa lụp xụp, con cái nheo nhóc, ông không đành lòng.

Tự nhủ với bản thân rằng mình tuy tàn tật nhưng không thể làm khổ vợ con, ông bỏ qua mọi lời thị phi, tự ái, quyết tâm làm kinh tế. Vì nhà nghèo, lại ít học và khi đó ở quê chưa có điện nên ông tích cóp tiền mua được một chiếc đài chạy bằng pin, hằng ngày vừa làm vừa chú ý nghe những tin tức phổ biến về kỹ thuật trồng các loại cây để phát triển kinh tế. Nhận thấy đất đồi có khả năng phù hợp với cây hồi, ông nhờ người xuống vườn ươm dưới huyện mua hồi giống về trồng thử.

Cứ như vậy, đều đặn mỗi ngày, ông đều tự trồng được 10 – 15 cây hồi con. Để mở rộng diện tích, ông dồn hết tiền mua thêm 3 mẫu đất, có đất rồi, ông mạnh dạn trồng thêm hồi, đến nay đã có khoảng 100 cây cho thu hoạch, mỗi năm được thu 2 vụ. “Trồng hồi không tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao nhưng loại cây này lại không chịu được nắng hạn nên phải chịu khó tưới nước khi trời nóng nực, không bón nhiều phân vì nếu bón nhiều quá giá trị tinh dầu trên lá sẽ bị giảm”. – ông Thỉu chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài hồi ra ông còn trồng thêm ngô, sắn, cỏ voi  để nuôi bò cái sinh sản và đàn gà hơn 100 con. Với giá hồi bán ổn định từ 15 – 26 ngàn đồng/kg và thu nhập thêm từ việc chăn nuôi, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên, thoát khỏi hộ nghèo, ổn định cuộc sống.

Vợ chồng ông Thỉu cho biết: sắp tới gia đình sẽ xây dựng thêm chuồng trại để nuôi bò thịt kết hợp với trồng cây ăn quả để tăng thêm nguồn thu. Ông Dương Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Tân Hương khẳng định: Ông Thỉu tuy là người khuyết tật nhưng lại có một nghị lực rất đáng khâm phục. Không chỉ vậy, bản thân ông rất thân thiện, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình để bà con học tập…

Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng bằng nghị lực của mình, ông Lường Văn Thỉu đã vươn lên tự khẳng định mình, xứng đáng là tấm gương sáng không chỉ cho những người khuyết tật mà cả những người khác học tập theo.

DƯƠNG THỊ KHUYÊN