Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu ở vùng biên

LSO- Bám trụ lại mảnh đất quê hương, cần cù lao động khai hoang, mở mang trồng trọt nơi vùng biên của nông dân Hoàng Quốc Phụng, thôn Bản Vàng, xã Cao Lâu (huyện Cao Lộc), đến nay đã được đền đáp xứng đáng. Mô hình VACR mà ông phát triển hiện mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm giúp ông thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

“Thôn Bản Vàng nằm giáp ranh với khu vực biên giới, nơi đây cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, bởi xung quanh chủ yếu là đồi núi, đất canh tác ít, người dân thiếu tư liệu sản xuất, bao đời nay vẫn luôn gắn bó với cây lúa, cây ngô, chỉ đủ ăn chứ để làm kinh tế thì rất khó”. Đó là những lời tâm sự rất thật của ông Hoàng Quốc Phụng, khi được hỏi về tình hình phát triển sản xuất của bà con đang sinh sống ở vùng quê này. Khó khăn là vậy, nhưng bằng tinh thần và nghị lực vượt khó, cần cù lao động, ông đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Ông Phụng chia sẻ: Ông sinh năm 1969, sinh ra và lớn lên nơi vùng sơn cước, trưởng thành, lập nghiệp cũng tại nơi đây. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều cơ cực, cái đói, cái nghèo luôn quẩn quanh nhiều người đã bỏ đi nơi khác làm ăn hoặc tìm cách vượt biên sang Trung Quốc lao động làm thuê, kiếm tiền. Song ông vẫn quyết tâm bám trụ mảnh đất này- nơi đã nuôi mình khôn lớn, tìm cách làm giàu.

 

Với suy nghĩ đó, ông tích cực học hỏi, tìm hiểu những mô hình kinh tế có hiệu quả, đưa các loại cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn vào sản xuất. Ban đầu, ông tập trung vào các cây trồng truyền thống, sẵn có như hồng, mận, kết hợp trồng rừng và chăn nuôi lợn, dê để cải thiện thu nhập. Qua một thời gian, khi được giao đất, giao rừng, ông tiến hành khai hoang, trồng thêm cây ăn quả. Năm 2000, ông bắt tay phát triển mô hình VACR, tận dụng nơi có khe nước chảy  đắp bờ làm ao thả cá, xung quanh trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, hồng Bảo Lâm, mận và phát triển chăn nuôi dê, trồng rừng, chủ yếu là trồng thông.

Nhờ sự chăm chỉ lao động, gặp khó không nản, gia đình ông đã gặt hái được thành quả. Đến nay, ông là chủ của khu vườn với hơn 100 cây vải thiều, 100 cây hồng Bảo Lâm (mỗi loại cho hơn 1 tấn quả/năm) và một số cây trồng khác, cùng 5 ha rừng thông  bắt đầu cho khai thác. Ngoài ra, với việc chăn nuôi, đàn dê liên tục được tái đàn, duy trì đàn ở mức 20 con/năm. Cùng đó là ao thả cá diện tích gần 2 sào với các loại cá trắm,  chép,  trôi cho xuất bán thường xuyên. Ngoài ra, ông còn trồng thêm hơn 60 gốc thanh long trong vườn nhà. Nhờ đó tạo nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, giúp ông ổn định cuộc sống.

Từ sự cần cù, chịu khó, sau bao năm vất vả, gia đình ông đã có bước tiến mới. Năm 2003, ông xây nhà gạch kiên cố, đến năm 2014, gia đình  xây dựng thêm ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi. Điều đó cho thấy, dù khó khăn, vất vả nhưng với nghị lực vượt khó cùng đôi tay cần mẫn đã khiến đất cằn “tỏa hương”.

Bài, ảnh: HOÀNG TÙNG