Thứ sáu,  20/09/2024

Ông Lập làm giàu từ cây quýt

LSO-Là người dân bản địa ở thôn Nam Lân, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, nhiều năm liền gắn bó với mảnh đất quê hương, từ khi còn trẻ, ông Lương Văn Lập đã nuôi ước mơ phát triển mô hình trồng cây ăn quả hộ gia đình. 

Na là cây mũi nhọn ở Chi Lăng, cùng với nhân dân nơi đây, ông cũng trồng na. Hiện, vườn na của ông có trên 700 gốc, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để canh tác cây na hiệu quả thì mất nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư. Ông Lập cho biết: “Trồng na tốn công cắt tỉa cành, dọn cỏ, thu hái vất vả. Hạn chế nhất là thu hoạch và tiêu thụ vào mùa  mưa. Do đó gặp trời mưa nhiều sẽ không thu hái được, quả thối coi như thất thu”.

Ông Lương Văn Lập bán quýt tại chợ Vạn Linh

 

Từ những hạn chế của trồng na, ông Lập đã suy nghĩ, tìm trồng các loại cây ăn quả khác. Sau nhiều thời gian tìm hiểu, ông quyết định chọn quýt làm cây trồng chủ đạo cho phát triển kinh tế hộ. Ông Lập kể: “Chi Lăng có núi đá và những lân, lũng cộng với điều kiện khí hậu tương đồng như Bắc Sơn, Bình Gia. Hơn nữa trồng quýt thu hoạch và tiêu thụ vào mùa khô nên rất thuận lợi. Với những đặc tính này nên tôi chọn quýt đem vào trồng”. Cũng từ cách nghĩ đó, năm 2004, 2005, ông Lập bỏ nhiều công sức đến những khu vực trồng quýt ở huyện Bắc Sơn học hỏi kỹ thuật trong chọn giống, cách trồng, chăm sóc cây quýt. Năm 2006, ông đem vào trồng 400 cây. Đến nay, vườn quýt nhà ông tăng lên 1.000 cây, trong đó 600 cây đang cho thu hoạch, 400 cây sắp bói quả. Gia đình ông cũng trở thành hộ đầu tiên và hộ trồng quýt nhiều nhất ở xã Y Tịch. Trung bình mỗi năm, vườn quýt nhà ông thu hoạch gần 10 tấn, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Ông Vi Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: ông Lập là người mạnh dạn đem cây quýt về trồng trong xã. Đến nay, toàn xã đã có thêm vài chục hộ trồng theo. Trong đó một số hộ có số lượng từ 200-700 cây, vài chục hộ trồng từ 100 – 200 cây. Từ quýt, ông Lập cũng trở thành nông dân phát triển kinh tế giỏi của xã.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng thành công cây quýt, ông Lập cho biết: “Khó nhất của trồng quýt là diệt ruồi vàng châm quả và chữa trị nấm rễ. Để hạn chế được loại côn trùng này, tôi phải tham khảo rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có bán trên thị trường. Mới đây tôi học thêm kỹ thuật diệt sâu, bọ từ người thân sống trong Bình Phước, Đăk Nông và nhờ họ gửi thuốc ra phun. Do tìm đúng loại thuốc, mấy năm gần đây ruồi vàng giảm hẳn. Với nấm rễ thì vẫn đang tìm cách chữa trị hiệu quả. Để quả quýt to, mọng, đẹp thì phải bón phân, đạm với lượng thích hợp cho cây. Với những cây lá hơi vàng thì mới nên bón đạm, những cây xanh lá chỉ cần bón phân hữu cơ. Trong trừ cỏ không nên sử dụng thuốc hóa học mà chỉ dùng máy cắt cỏ vì nếu phun thuốc trừ thì cỏ sẽ chết không giữ được độ ẩm cho đất làm ảnh hưởng đến phát triển của cây quýt.

Được biết, ông Lập đã trồng thử nghiệm thành công giống cam Bố Hạ (Bắc Giang) và cam Cao Phong (Hòa Bình). Thời gian tới, ông Lập tiếp tục mở rộng mô hình trồng 2 giống cam này trên đất vườn nhà.

HÀ MY