Thứ năm,  19/09/2024

Như người mẹ hiền

LSO-Tốt nghiệp Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Thái Nguyên) khóa 1991-1997, bác sĩ Phạm Thu Huyền nhận công tác ở Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng. Năm 2005, bác sĩ Huyền học sau đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội, nhận bằng bác sĩ chuyên khoa Cấp 1. Năm 2009, chị được đề bạt làm Trưởng Khoa sản, thuộc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.

Bác sĩ Phạm Thu Huyền, Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y  tế huyện Hữu Lũng

Gần 20 năm trong ngành, bác sĩ Huyền đều thực hiện tốt 12 điều y đức. Trong giao tiếp với bệnh nhân, bác sĩ Huyền thường xuyên thực hiện phương châm “Đến đón tiếp niềm nở, về dặn dò chu đáo”. Khoa Sản đang là tập thể dẫn đầu trong đợt thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” với các nội dung: “Nhanh chóng, kịp thời, chính xác, chuyên nghiệp, hiệu quả”.

Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2016, Khoa Sản do bác sĩ Huyền phụ trách đã điều trị được 4.738 lượt bệnh nhân nội trú, đạt 109% kế hoạch; 136 bệnh nhân ngoại trú đạt 113% kế hoạch. Trong đó có 613 ca điều trị bằng phẫu thuật. Riêng bác sĩ Huyền, ngoài công tác điều trị tại khoa, còn trực tiếp tham gia 500 ca phẫu thuật, trong đó có nhiều ca phẫu thuật loại 1 như: mổ cắt tử cung bán phần, toàn phần, chửa ngoài tử cung, mổ lấy thai có sẹo mổ cũ… Mặc dù công việc nhiều, bệnh nhân đông nhưng bác sĩ Huyền luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm nên mấy chục năm công tác trong ngành không có trường hợp sai sót chuyên môn, được đồng nghiệp và bệnh nhân tin tưởng.

Khi tôi hỏi bác sĩ Huyền, trong các trường hợp trên, trường hợp nào để lại cho chị ấn tượng đáng nhớ nhất? Bác sĩ Huyền cho biết: “Đó là trường hợp bệnh nhân Trương Thị Hạnh, 39 tuổi ở xóm Đoàn Kết, xã Nhật Tiến (Hữu Lũng). Bệnh nhân vào viện ngày 9/12/2016 trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng chướng, choáng, khó thở, tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân được khám ngay và xác định là chửa ngoài tử cung vỡ. Kíp mổ nhanh chóng được thành lập. Sự chiến đấu để giành giật mạng sống cho người bệnh đã thôi thúc tôi phải tỉnh táo, bình tĩnh, vững vàng để xử lý. Sau những giây phút căng thẳng, ca mổ đã thành công. Trong kíp mổ có người nói: Chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này”.

Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Huyền còn  tích cực học tập để nâng cao trình độ, tham gia công tác đào tạo tại chỗ cho đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh trong khoa cũng như các bác sĩ, nữ hộ sinh tuyến xã để góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tai biến sản khoa tại khoa sản nói riêng và trên toàn huyện nói chung.

Ngoài làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Huyền còn khám và chữa bệnh tại nhà riêng theo yêu cầu của người bệnh; sẵn sàng giúp đỡ, điều trị và tư vấn cho bệnh nhân trong làng xóm. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến “gõ cửa” nhà chị. Không chỉ có bà con trong xóm, ngoài làng mà còn có cả những người ở ngoài huyện, ngoài tỉnh cũng đến nhờ chị tư vấn chữa trị. Những trường hợp bệnh nhân nghèo đều được bác sĩ Huyền thăm khám miễn phí.

Đại danh y Lê Hữu Trác đã nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Bác Hồ kính yêu cũng đã dạy: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”.

Bác sĩ Phạm Thu Huyền đã và đang thực hiện tốt những lời dạy đó. Liên tục nhiều năm liền chị được Sở Y tế và Công đoàn ngành khen thưởng.

TRƯƠNG THỌ