Thứ năm,  19/09/2024

“Đại gia” xóm núi

LSO-Người dân ở thôn Lục Ngoãng, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc gọi anh Nông Văn Thịnh với cái tên “đại gia” xóm núi. Theo lời kể của người dân nơi đây, “đại gia” này vươn lên làm giàu từ hoàn cảnh khó khăn với bản chất thông minh, đức tính cần cù, chịu khó. 

Vợ chồng anh Nông Văn Thịnh chăm sóc vườn hồng không hạt Bảo Lâm

Kể về anh Nông Văn Thịnh, Trưởng thôn Lục Ngoãng – ông Lý Văn Trành tấm tắc: Thôn có 32 hộ thì gia đình anh Thịnh là giàu nhất. Không chỉ giàu về vật chất mà vợ chồng anh Thịnh còn giàu về tình cảm. Trong thôn ai cũng gọi anh là “đại gia” và yêu quý anh vì sự cần cù, sáng tạo trong lao động.

Đến thăm nhà anh Nông Văn Thịnh, nhìn cơ ngơi bề thế gồm 1 căn nhà xây kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt; 3 ha cây ăn quả, 1 ha rừng thông đến kỳ khai thác; 1 máy xúc trị giá trên 400 triệu đồng… không ai nghĩ anh làm giàu từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hộ nghèo. Anh Thịnh kể: “Đời tôi đã trải qua nhiều gian truân mới có được ngày hôm nay. Sau khi lập gia đình, ra ở riêng (năm 1997), ngoài mấy sào ruộng bậc thang và 400 m2 đất đồi cha mẹ chia cho, tôi không có tài sản gì đáng giá. Để kiếm sống, vợ chồng tôi làm nhiều việc, hái vỏ cây rừng bán, chăn gà, nuôi lợn. Bản thân tôi cũng đã từng làm cán bộ văn hóa xã Lộc Yên, làm giáo viên hợp đồng dạy học sinh tiểu học… nhưng số tiền kiếm được không đủ nuôi sống gia đình. Không chịu nghèo khó đeo bám, tôi quyết tìm hướng làm kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ”.

Những năm 2005, 2006, khi cây hồng không hạt Bảo Lâm đang được thị trường biết đến; cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lộc chỉ đạo nhân rộng, anh Thịnh đã đến các vùng trồng hồng không hạt Bảo Lâm như: xã Bảo Lâm, Thạch Đạn (Cao Lộc), xã Tân Mỹ (Văn Lãng) học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng. Năm 2006, anh khai hoang đất đồi, rừng tạp để trồng hồng. Đến nay, gia đình anh trồng được 3 ha hồng với 500 cây. Trên diện tích đó, anh trồng thêm 600 cây mận cơm. Mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng/năm. Anh Thịnh cho biết: Để hồng, mận sai quả phải áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái.

Năm 2013, thấy nhiều hộ có nhu cầu san ủi mặt bằng làm nền nhà, làm ruộng, anh quyết định vay vốn ngân hàng và bạn bè mua máy xúc về kinh doanh. Anh Thịnh cho biết thêm: “Tôi luôn giữ uy tín và chất lượng khi thực hiện các công trình nên thường xuyên có việc làm. Khách hàng không chỉ trong xã mà còn ở một số nơi như: thành phố Lạng Sơn, huyện Văn Lãng…”.

Từ mô hình trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ san ủi mặt bằng, mỗi năm gia đình anh Thịnh thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng. Hiện gia đình anh đã có nhà cửa khang trang và có phần tích lũy. Anh Thịnh trở thành tấm gương tiêu biểu trong thôn, xã và huyện Cao Lộc. Năm 2016, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Lương Văn Họ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Yên cho biết: Anh Thịnh không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế mà còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho bà con. Để phong trào phát triển kinh tế của xã đi lên, thời gian tới, chúng tôi tích cực tuyên truyền mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình anh Thịnh cho hội viên và nông dân trong xã áp dụng, làm theo.

HÀ MY