Thứ năm,  19/09/2024

Triệu phú trẻ trên đất chè

LSO-Là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương, anh Đỗ Văn Nam (sinh năm 1983) ở khu 3, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập được nhiều người biết đến với mô hình thu mua và chế biến chè, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Nam thực hiện công đoạn sao chè

Năm 2006, anh Đỗ Văn Nam tốt nghiệp chuyên ngành thú y Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, với mong muốn gắn bó và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương từ cây chè, anh đã không theo đuổi công việc mình được học, mà mạnh dạn mở rộng và phát triển mô hình thu mua và chế biến chè sẵn có của gia đình.

Anh Nam chia sẻ: Từ những năm 1998 gia đình tôi đã mở cơ sở thu mua và chế biến chè nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chế biến theo cách truyền thống, chỉ tiêu thụ trong huyện nên khi mới bắt đầu tôi gặp khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm. Năm 2007, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư một số máy móc sản xuất như: máy tách cuống, máy sao chè, máy vò, máy hút chân không…, từ đó năng suất và chất lượng chè ngày một nâng cao.

Hiện nay, mỗi ngày gia đình anh Nam thu mua từ 1 – 1,2 tấn chè tươi của bà con trong vùng. Gồm nhiều loại chè như: Ô long, Bát tiên, San tuyết, Ngọc thúy, Trung du, với mức giá từ 12 – 60 nghìn đồng/kg tùy loại và thời vụ, được giá nhất là chè Ô long từ 23 – 60 nghìn đồng/kg.

Trung bình mỗi năm cơ sở của anh Nam chế biến được khoảng 30 tấn chè khô các loại. Với công nghệ chế biến hiện đại, cuối năm 2007, anh đã xây dựng thương hiệu chè Đồng Thuộc; được Cục Sở hữu trí tuệ, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lạng Sơn và Sở Y tế Lạng Sơn chứng nhận sản phẩm chè sạch, đảm bảo an toàn. Sau một thời gian khẳng định được chất lượng, sản phẩm của gia đình anh không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn tiêu thụ ra các tỉnh khác như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên …

Yếu tố quan trọng giúp anh Nam tạo được thương hiệu chè của gia đình và mở rộng được thị trường tiêu thụ là quy trình sản xuất chè an toàn được gia đình anh đưa lên hàng đầu. Anh Nam chia sẻ thêm: Ngay từ những ngày đầu mở rộng sản xuất, tôi đã xác định cần tạo dựng uy tín và chất lượng sản phẩm lên đầu. Trong đó, quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm chè an toàn, bởi vậy dù có 4 lao động thường xuyên với mức lương từ 7 – 8 triệu đồng/tháng nhưng tôi vẫn luôn trực tiếp tham gia sản xuất, kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn từ phân loại chè, vò chè, sao chè đến đóng gói bao bì để sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng như đã cam kết.

Ngoài phát triển mô hình chế biến chè, anh Nam còn vận dụng kiến thức từ ngành học của mình để mở thêm một cửa hàng bán thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Hằng năm, trừ các loại chi phí, anh thu nhập khoảng 300 – 500 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu đòi hòi ngày càng gắt gao của thị trường, anh Nam tiếp tục đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ mới, xây dựng nhà xưởng với quy mô hiện đại trên diện tích 350m2, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình sạch. Dự kiến mô hình sẽ được anh Nam thực hiện vào tháng 10 tới đây với số vốn đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng.

Ông Vũ Hữu Trình, Chủ tịch UBND thị trấn nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nam còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại nơi mình sinh sống. Với những nỗ lực và thành tích đó anh Nam là một trong 2 đoàn viên tiêu biểu của huyện Đình Lập được chọn để biểu dương trong phong trào đoàn viên thanh niên lao động sản xuất giỏi cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào tháng 10/2017.

KIM HUYÊN