Thứ năm,  19/09/2024

Chị Yến sử dụng hiệu quả vốn vay

LSO- Những năm qua, nhiều hội viên phụ nữ đã biết tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Gia đình chị Lý Thị Yến, thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc là một hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn, trở thành người tiên phong ở xã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi và thành công với mô hình nuôi lợn rừng, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Chị Yến sinh năm 1969 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng. Năm 1991, chị lập gia đình với anh Lý Văn Can và sinh sống tại quê chồng ở thôn Nà Múc (Tân Thành, Cao Lộc). Được bố mẹ chia mấy sào ruộng, hai vợ chồng mặc dù chịu khó trồng ngô, cấy lúa nhưng chỉ đủ ăn, không có thu nhập ổn định. Không cam chịu số phận, với mong muốn vươn lên phát triển kinh tế, chị quyết tâm học hỏi kiến thức, kỹ thuật qua sách, báo, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… Đồng thời, chị sớm tiếp cận với các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Hội Phụ nữ xã.

Gia đình chị Lý Thị Yến thu nhập trên 200 triệu đồng từ mô hình nuôi lợn rừng

Chị Yến cho biết: Năm 2014, gia đình tôi vay ngân hàng 50 triệu đồng. Trong một lần tình cờ đọc báo, thấy mô hình nuôi lợn rừng của một công ty ở Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao, tôi nung nấu ý tưởng xây dựng mô hình này. Sau khi trực tiếp xuống thăm mô hình, gia đình đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và mua 18 con lợn rừng về làm giống.

Những ngày đầu mới nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên chị Yến thất bại ngay từ lứa lợn đầu tiên, đàn lợn bị bệnh và chết 12 con. Không nản chí, chị lại tiếp tục xuống công ty mua thêm giống và học tập thêm kinh nghiệm qua mạng, sách báo. Nhờ kiên trì, chịu khó, đến nay, đàn lợn rừng của gia đình chị đã phát triển lên 7 con nái, cứ sau 4 tháng chị lại có một lứa lợn từ 40  đến 50 con. Hằng năm, gia đình xuất bán khoảng 2 tấn lợn rừng ra thị trường, trong đó có lợn thương phẩm và lợn con làm giống (từ 15 – 20 kg) cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi. Với giá lợn hơi 150 nghìn đồng/kg; lợn con bán giống giá 250 nghìn đồng/kg, gia đình chị có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo chị Yến, lợn rừng là loại ăn tạp nên tốn ít chi phí thức ăn. Mô hình nuôi lợn rừng được xây dựng hoàn toàn khép kín. Điều khác biệt là hệ thống chuồng được xây dựng theo bản vẽ được hướng dẫn từ các chuyên gia, ngoài khu chuồng có mái che cần thêm một sân phơi quây bằng lưới sắt B40, tạo cho lợn rừng tiếp xúc với tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là cỏ voi và cám gạo, đặc biệt bổ sung một số cây thuốc nam như lá ngọc hoàng, lá chè khổng lồ, lá ổi… do gia đình tự trồng, giúp tăng sức đề kháng cho lợn.

Khi chăn nuôi có hiệu quả, gia đình chị tiếp tục mua sắm thêm các dụng cụ để nấu rượu men lá nhằm tăng thu nhập và tận dụng bỗng chăn lợn. Trung bình mỗi ngày gia đình nấu 1 mẻ rượu, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 lít rượu men lá, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ chăn nuôi lợn rừng và nấu rượu men lá, kinh tế gia đình chị đã khấm khá hơn, hiện tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm, gia đình chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Bà Nông Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành cho biết: Gia đình chị Lý Thị Yến là hộ tiêu biểu trong sử dụng vốn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm liền được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào phát triển kinh tế. Không chỉ là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã, chị Yến còn tích cực tham gia các hoạt động  của xã, được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Múc, xã Tân Thành.

KIM HUYÊN