Thứ năm,  19/09/2024

Người thương binh năng động

(LSO) – Làm theo lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Mai Xuân Thủy (sinh năm 1942), thương binh hạng 4/4 ở thôn Thạch Lương, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng đã vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Năm 1965, khi vừa tròn 23 tuổi, chàng trai trẻ Mai Xuân Thủy viết đơn xin nhập ngũ, sau đó, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1968, ông bị thương nặng, với mức thương tật 31%, là thương binh hạng 4/4. Năm 1970, ông Thủy chuyển ngành đi học rồi lập gia đình và sinh sống ở Bắc Giang, công tác tại Ty Thương nghiệp Hà Bắc (nay là Sở Công thương Bắc Giang).

Ông Mai Xuân Thủy bên vườn cam đường Canh của gia đình

Năm 1982, ông Thủy nghỉ hưu, hai vợ chồng đưa 6 người con về quê ở thôn Thạch Lương, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng sinh sống. Gia đình ông đã có thời điểm rất khó khăn, phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, không có thu nhập để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Trước thực tế đó, ông luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Sau một thời gian tìm tòi, năm 1983, với số tiền vay mượn của anh em, bạn bè, ông đào ao thả ếch với số lượng hàng nghìn con, do chưa có kinh nghiệm nên chỉ sau một đêm mưa lũ, đàn ếch của ông mất hết.

Ông Thủy tâm sự: Thất bại ngay trong lần đầu tiên làm kinh tế nhưng tôi quyết không nản chí, tiếp tục học hỏi rồi vay mượn thêm, năm 1985, gia đình tôi mua một cặp bò giống về nuôi. Tôi đi học hỏi và tham quan cách chăm sóc nên đàn bò của gia đình phát triển tốt, đến nay, mỗi năm gia đình đều duy trì đàn bò hơn 10 con. Trung bình mỗi năm gia đình bán 2 – 3 con bò thịt, thu nhập 60 – 70 triệu đồng. Từ số tiền đó, gia đình tôi xây dựng được nhà cửa khang trang.

Cùng với phát triển đàn bò, cuối năm 1985, gia đình ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt để có thêm nguồn thu nhập. Trong chuồng luôn duy trì đàn lợn từ 4 đến 5 con, cứ 4 tháng gia đình ông xuất bán 1 lứa, trung bình mỗi năm bán 3 lứa, cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm.

Với số vốn tích lũy được từ phát triển chăn nuôi, nhận thấy người dân trong xã trồng cây na đem lại hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2014 đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi đất vườn kém hiệu quả sang trồng gần 2.000 cây na. Vụ na năm 2018, 400 cây cho thu hoạch vụ đầu tiên, gia đình ông thu nhập gần 20 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, năm 2016, gia đình ông đã tiên phong đưa cây cam đường Canh về trồng tại đất vườn với số lượng 700 gốc. Nhờ chịu khó học tập kinh nghiệm và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam của gia đình ông phát triển tốt, năm nay bắt đầu cho thu hoạch, ước tính mỗi cây đạt 15 – 20 kg. Hiện thương lái đến tận vườn đặt mua với giá 25 – 30 nghìn đồng/kg, dự kiến cuối vụ sẽ có nguồn thu nhập cao.

Hiện, mô hình phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả của gia đình ông Thủy sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hiện nay, có nhiều diện tích cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Hoàng Văn Viên, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã cho biết: Ông Thủy là thương binh năng động, chịu khó, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, ông Thuỷ luôn gương mẫu đi đầu, vận động các hộ gia đình trong thôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào thi đua tại địa phương. Ông là tấm gương tiêu biểu để các hộ dân trong thôn, xã học tập, làm theo.

Với những nỗ lực đó, năm 2017, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất giai đoạn 2012 – 2017.

KIM HUYÊN