Thứ năm,  19/09/2024

Chuyện ông Sơn “tín dụng”

(LSO) – Luôn năng nổ, nhiệt tình và chu đáo trong công tác tín dụng ủy thác tại địa phương – đó là nhận xét của nhiều người dân thôn Lân Vy, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn khi nói về “ông tín dụng” Dương Công Sơn (sinh năm 1969).

Ông Dương Công Sơn bắt đầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2006. Hơn 12 năm làm tổ trưởng, ông trải qua không ít khó khăn, thử thách để quản lý tốt nguồn vốn. Ông Sơn kể: Nhớ lại thời gian đầu mới làm tổ trưởng chưa quen việc, lại không được đào tạo, không có kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn… nên việc truyền đạt các thông tin về chính sách vốn, viết sổ sách, tính toán, thu lãi thật không dễ dàng. Sau đó, tôi vừa làm theo hướng dẫn của cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), vừa tự học hỏi và rèn luyện thêm.

Theo ông Sơn, khó khăn nhất là khi mới thực hiện chương trình thu tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo. Ban đầu không có tổ viên nào ủng hộ, mặc dù đã tuyên truyền đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc tiết kiệm. Trong thời gian khoảng 2 năm đầu, ông phải đến tận nhà các tổ viên để tuyên truyền, vận động thu tiền tiết kiệm hằng tháng.

Ông Dương Công Sơn hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn

Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Sơn luôn hết lòng, tận tụy với công việc được giao, trong vai trò là “cầu nối” giúp chuyển tải nguồn vốn ủy thác của NHCSXH đến với người dân, nhiều năm qua, ông Sơn đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo, hộ còn khó khăn trong thôn tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi thế mà bà con trong thôn vẫn quen gọi ông là ông Sơn “tín dụng”.

Ông Sơn tâm sự: Hầu hết bà con đều thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên mới nghèo. Tôi muốn góp phần đưa vốn chính sách đó vào giúp các hộ dân có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, có thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Khi thấy các tổ viên sử dụng đồng vốn có hiệu quả, tôi rất vui. Đối với những tổ viên gặp khó khăn trong sử dụng vốn, chưa nắm rõ những quy định về chính sách vốn, chưa mạnh dạn đầu tư, sử dụng vốn gặp rủi ro… tôi động viên, giúp các hộ tiếp tục có niềm tin, động lực và trách nhiệm sử dụng vốn.

Từ tâm huyết dành cho công tác của tổ như vậy, tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lân Vy luôn hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, tổ có 62 tổ viên, số dư nợ vốn là 925 triệu đồng. Từ khi làm tổ trưởng tổ vay vốn đến nay, tổ của ông không có nợ quá hạn thu lãi, thu tiết kiệm đều đạt cao so với kế hoạch giao. Số dư tiết kiệm hộ nghèo của tổ đạt gần 77 triệu đồng, với 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm. Từ sử dụng vốn đầu tư trồng cây ăn quả, chăn nuôi, mua máy móc, phân bón phục vụ sản xuất, các hộ dân dần thoát nghèo. Hiện tổ chỉ còn 1 hộ nghèo.

Ông Dương Công Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiến Thắng cho biết: Không chỉ là tổ trưởng có trách nhiệm, bản thân ông Sơn còn là hội viên nông dân gương mẫu trong phát triển kinh tế. Ông đã vay vốn nhiều lần để đầu tư trồng, mở rộng diện tích cây quýt… Đến nay, gia đình ông có 1,3 mẫu cây ăn quả gồm: quýt, cam đường Canh, bưởi… Với tinh thần trách nhiệm và gương mẫu trong công việc, ông Sơn hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lân Vy, là tấm gương để các tổ viên học tập vươn lên.

Với những cống hiến cho công tác tín dụng chính sách, từ năm 2013 đến nay, ông Sơn đã 1 lần được nhận giấy khen của NHCSXH tỉnh; 3 lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn về thành tích xuất sắc trong hoạt động của NHCSXH. Năm 2017, tại hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của NHCSXH, ông đã được NHCSXH tỉnh biểu dương, khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

KIM HUYÊN