Thứ năm,  19/09/2024

Bí thư Đoàn thành công từ mô hình nuôi thỏ

(LSO) – Tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) Từ Sơn, Bắc Ninh năm 2012, không xin được việc làm, chàng trai Lương Khánh Toản sinh năm 1987, ở xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng trở về quê hương với hoài bão phát triển mô hình kinh tế. Bằng sự nhạy bén, Toản đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi thỏ với thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/năm. 

Xuất phát từ thực tế tại gia đình và địa phương vào  năm 2010 phải hứng chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế bởi dịch tai xanh trên đàn lợn, Lương Khánh Toản đã trăn trở suy nghĩ phải tìm ra một loại vật nuôi vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa ít  thiệt hại do dịch bệnh. Đúng lúc đó, Toản đọc trên một tờ báo nói về thỏ NewZealand có khả năng phát triển và sinh sản nhanh,  mỗi lứa từ 5 đến 7 con, thậm chí là 10 con.

Từ năm 2012, sau khi tìm hiểu được nơi cung cấp giống thỏ, học hỏi được kỹ thuật nuôi thỏ và tìm đầu ra ổn định, Toản bắt đầu đầu tư nuôi thỏ với quy mô ban đầu là 20 con. Sau hơn 3 tháng nuôi, thỏ bắt đầu sinh sản, ban đầu được hơn 90 con, nuôi tiếp và nhân giống ra đến nay gia đình đã tăng được đàn và duy trì ở mức bình quân 500 con thỏ gồm cả thỏ giống và thỏ thương phẩm.

Anh Lương Khánh Toản khởi nghiệp thành công từ mô hình chăn nuôi thỏ

Anh Toản chia sẻ: Do thuận lợi là địa bàn xã giáp với huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, tôi đã liên kết và tham gia vào Hợp tác xã chăn nuôi thỏ ở huyện Yên Thế và ký hợp đồng với Công ty Nippong của Nhật Bản, đóng ở tỉnh Ninh Bình, được công ty bao tiêu đầu ra, cung cấp thức ăn cho thỏ nên hiện tại đầu ra cho thỏ ổn định, mức giá  là 170.000 đồng/con thỏ với trọng lượng đạt 2,2 kg trở lên. Trung bình hằng tháng, gia đình xuất bán 100 – 150 con thỏ thương phẩm, tổng thu nhập bình quân trong 2 năm gần đây của gia đình đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.

Thấy mô hình nuôi thỏ có hiệu quả, anh Toản đã giới thiệu, tư vấn và cung cấp thỏ giống cho 2 hộ thanh niên khác cùng phát triển. Đến nay, mô hình của anh Toản và 2 hộ đang duy trì ổn định. Song song với việc nuôi thỏ, nhằm tận dụng nguồn phân của thỏ thải ra, anh Toản còn kết hợp trồng cây bưởi Diễn, nhãn Miền, đây là hai loại cây hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương. Hiện nay, anh Toản đã trồng được 100 cây bưởi Diễn và 50 cây nhãn Miền. Bình quân từ hai loại cây này cho thu nhập khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi năm.

Anh Lương Khánh Toản cho biết thêm: Thời gian tới, tôi có hướng đầu tư mở rộng trang trại để việc chăm sóc đàn thỏ thuận tiện hơn. Nâng quy mô nuôi từ 50 con thỏ sinh sản lên 80 đến 100 con và đầu tư hệ thống nước tự động, máng tự động, sử dụng lồng nuôi thỏ công nghiệp để giảm bớt nhân công và thời gian  chăm sóc.

Ông Đỗ Kim Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Tiến cho biết: Từ tháng 9/2016, đồng chí Toản là Phó Bí thư Đoàn xã và từ tháng 4/2017 đến nay là Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Đồng chí Toản luôn tích cực tìm tòi, học hỏi, phát huy tính sáng tạo, năng động trong công việc, nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho các thanh niên có nhu cầu cùng tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn. Đặc biệt, trong năm 2018, đồng chí đã phát huy tốt phong trào tuổi trẻ xung kích, cùng với cấp ủy, chính quyền xã chung tay xây dựng nông thôn mới, vận động người dân hai bên đường tại 3 thôn gồm: Mỏ Ám, Làng Gia và Lân Luông ủng hộ được trên 18,6 triệu đồng cho Đoàn xã lắp hệ thống đường điện “Thắp sáng đường thôn” có chiều dài 3.000 m với hơn 100 bóng điện. Đồng chí  Toản đã tham gia và đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn tổ chức trong quý II/2018; được Tỉnh đoàn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong tháng thanh niên năm 2018; được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tặng giấy khen là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2018.

HOÀNG HỒNG (Hữu Lũng)