Thứ tư,  18/09/2024

Hội viên nông dân làm giàu từ vốn vay ưu đãi

– Với bản tính siêng năng, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, anh Lý Văn Tiệp (sinh năm 1987), thôn Kéo Nọi, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào chăn nuôi lợn. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình anh đã vượt khó, vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã.

Anh Tiệp sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Trước đây, thu nhập của gia đình anh chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, nếu được mùa thì cũng chỉ tạm đủ ăn. Năm 2009, khi anh lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống càng khó khăn hơn. Làm thế nào để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, vươn lên trong cuộc sống luôn là suy nghĩ đau đáu trong anh.

Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, anh bàn với vợ lựa chọn phát triển mô hình chăn nuôi lợn. Theo đó, từ năm 2012, vợ chồng anh Tiệp bắt đầu chăn nuôi lợn, anh nuôi 6 hoặc 7 con lợn thịt/ lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Tuy vậy, quy mô chăn nuôi còn nhỏ, cùng với giá lợn giống cao, nên hiệu quả kinh tế thấp. Để có vốn mở rộng quy mô, năm 2015, được sự động viên của gia đình và được Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Tiệp đã quyết định vay 50 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi lợn.

Anh Lý Văn Tiệp chăm sóc đàn lợn

Ngay khi có vốn, anh Tiệp đã xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi không chỉ riêng nuôi lợn thịt, anh còn nuôi thêm 3 con lợn nái nhằm sản xuất con giống để tái đàn. Trong 3 năm trở lại đây, anh luôn duy trì nuôi từ 50 đến 60 con lợn thịt/ lứa, trung bình mỗi năm, anh xuất bán 2 lứa lợn thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập khoảng 170 triệu đồng/năm. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, sau 3 năm phát triển chăn nuôi lợn, đến năm 2018, gia đình anh Tiệp đã hoàn trả lại được vốn vay  ngân hàng.

Anh Tiệp cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, ti vi cũng như tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi được tổ chức tại xã, vì thế mà đàn lợn của gia đình phát triển tốt. Cùng đó, gia đình luôn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, hằng tuần tôi tiến hành phun tiêu độc khử trùng 2 lần và thực hiện tiêm phòng định kỳ.

Bên cạnh đó, từ năm 2016, gia đình anh Tiệp đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng kinh doanh tổng hợp bán hàng tạp hóa, mỗi năm thu về từ 30 đến 35 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ vậy, từ năm 2017 đến nay, gia đình anh còn trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình anh có hơn 5 sào cây hồng, gần 1 ha na bắt đầu cho thu nhập.

Mô hình phát triển kinh tế của anh Tiệp đã mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tiệp còn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi lợn cho mọi người trong xã khi có nhu cầu đến học tập. Bên cạnh đó, anh còn gương mẫu thực hiện các phong trào của hội, của xã như góp tiền, góp sức làm đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Nhận xét về anh Tiệp, ông Linh Văn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bằng Hữu cho biết: Anh Tiệp là hội viên nông dân năng động, chịu khó, dám nghĩ, dám làm. Việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả đã giúp gia đình anh  từ một hộ khó khăn vươn lên trở thành hộ kinh tế khá giả ở xã và trở thành một tấm gương sáng vượt khó làm giàu cho các hội viên khác học tập và làm theo.

Nhờ sự cố gắng nỗ lực đó, năm 2020, anh Lý Văn Tiệp được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình.

CẨM HÀ