Thứ sáu,  20/09/2024

Đầu xuân gặp gỡ một số văn nghệ sĩ tiêu biểu

(LSO) – Năm 2020 là một năm nhiều thành công đối với một số văn nghệ sĩ Xứ Lạng khi liên tiếp được ghi nhận tại nhiều sân chơi, cuộc thi trong tỉnh, khu vực, trung ương cũng như quốc tế. Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Lạng Sơn đã gặp gỡ và trò chuyện với một số văn nghệ sĩ tiêu biểu để điểm lại những thành công của họ cũng như nghe dự định, ước muốn của họ trong mùa xuân mới.

Nghệ nhân dân gian ưu tú Hoàng Tích Chỉ: “Duyên nợ và say mê với thơ và then”.

Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1960, tại làng Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn. Năm 1978, khi đang còn là học sinh, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, bảo vệ Tổ quốc. Những năm phục vụ trong Quân đội, từ năm 1978 đến năm 1982, vốn có năng khiếu và tình yêu với thơ ca, ông bắt đầu sáng tác. Những sáng tác thời kỳ này của ông là những bài thơ mang đậm dấu ấn của người lính, về nơi ông đóng quân, nơi ông đã từng đi qua. Vừa tham gia chiến đấu, vừa viết báo, làm thơ, ông trở thành một cộng tác viên tích cực của Báo Lạng Sơn thời bấy giờ. Sau này, ông xuất ngũ trở về địa phương và đã từng có thời gian là phóng viên của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.

Mặc dù không theo nghề báo nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác và trở thành một trong những cộng tác viên thường xuyên của Báo Lạng Sơn và Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng. Sau đó, ông tham gia Chi hội thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương và bén duyên với con đường sáng tác các bài hát then mới. Bài hát then đầu tay của ông là “Mừa dương Ba Sơn” được nhiều người yêu dân ca đón nhận. Đây là động lực để ông tiếp tục có nhiều hơn nữa những tác phẩm then sau này và trở thành hội viên Hội Bảo tồn dân ca tỉnh.

Hơn 40 năm sáng tác, ông đã cho ra đời hơn 800 bài thơ. Trong số đó có khoảng 420 bài được ông chuyển thể sang thành các bài hát then. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ, ông đã giành được nhiều giải thưởng như: giải B Cuộc vận động sáng tác đặt lời mới cho dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn năm 2015; trên 30 tác phẩm then của ông được các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn tại các cuộc thi, liên hoan văn nghệ từ cấp xã tới cấp tỉnh đạt được giải cao. Năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ưu tú.

Chia sẻ về những dự định trong năm mới, Nghệ nhân dân gian ưu tú Hoàng Tích Chỉ cho biết: Còn đam mê là tôi còn sáng tác, bởi thơ và then như cái nghiệp duyên của mình vậy. Chừng nào còn người thích hát những bài then của tôi thì tôi còn tiếp tục sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân: “Đam mê sáng tác âm nhạc quê hương”.

Nguyễn Văn Tân là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn. Anh sinh năm 1976 tại Võng Xuyên, Phú Thọ, Hà Nội. Ngay từ nhỏ, anh đã sớm bộc lộ niềm đam mê âm nhạc và khi lớn lên, anh đã chọn Khoa Cao đẳng sư phạm Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang để theo học rồi học tiếp đại học sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, học thạc sĩ lý luận dạy học âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương.

Năm 2001, anh chọn công tác tại Lạng Sơn và coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Bắt đầu tiếp cận với âm nhạc và sáng tác từ năm 1995 nhưng phải đến khi công tác, giảng dạy tại Lạng Sơn – vùng đất có nền văn hoá riêng đặc sắc thì tâm hồn người nghệ sĩ nơi anh mới thêm thăng hoa và cho ra đời nhiều ca khúc hay mang âm hưởng âm nhạc quê hương. Tính đến hết năm 2020, sau 15 năm sáng tác, Nguyễn Văn Tân đã có gần 100 ca khúc và trình làng 2 tuyển chọn ca khúc “Theo dòng thời gian” năm 2010 và “Sắc màu” năm 2016.

Ngoài tự sáng tác, đặt lời, viết nhạc thì Nguyễn Văn Tân còn phổ thơ nhiều tác phẩm khác khi bắt gặp chủ đề, ý tứ, giai điệu thông qua những bài thơ hay của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh… Cùng với đó, bên cạnh việc giảng dạy, sáng tác, anh còn say mê nghiên cứu bản sắc văn hoá dân tộc vùng núi phía Bắc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân chia sẻ: Từ say mê nghiên cứu, khám phá nên tôi có thể dễ dàng cảm nhận được nét văn hoá riêng độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây. Vì vậy, các ca khúc của tôi chủ yếu mang âm hưởng dân gian, lời ca ngọt ngào với giai điệu du dương, đằm thắm; nhẹ nhàng nhưng đi vào lòng người từng chút, từng chút một.

Những nỗ lực, cống hiến của Nguyễn Văn Tân trong năm 2020 đã mang về cho anh giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về anh Lương Văn Tri và quê hương Văn Quan với ca khúc: “Về Văn Quan” (không có giải Nhất); giải khuyến khích giải thưởng hằng năm của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam với ca khúc “Về Bắc Sơn quê em”.

Đại úy, nhà văn Chu Thanh Hương: “Vùng đất và con người biên cương Xứ Lạng là nguồn cảm hứng vô tận để tôi sáng tác các tác phẩm văn học”.

Chu Thanh Hương sinh năm 1986, cán bộ Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Lạng Sơn, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị có sở thích đọc sách từ rất sớm, có thể nói cả tuổi thơ của chị đều gắn bó với những trang sách. Từ những câu truyện cổ tích, dân gian cho đến những cuộc phiêu lưu, trinh thám đầy màu sắc đều có sức hấp dẫn vô cùng với chị. Ban đầu chỉ là đọc và đắm chìm trong những câu truyện mà các tác giả khác tạo ra, dần dần, chị tự tưởng tượng ra thế giới và câu truyện của riêng mình.

Nhà văn Chu Thanh Hương chia sẻ: Xuất phát điểm của tôi là một chiến sỹ công an Nhân dân cầm bút, vì vậy, tiểu thuyết của tôi hầu như chỉ gắn liền với câu chuyện về lực lượng công an và cuộc chiến chống tội phạm. Tôi luôn yêu và tự hào về quê hương Xứ Lạng, do đó, tất cả các đề tài tôi viết từ trước đến nay đều là bối cảnh ở Lạng Sơn như: đấu tranh với nạn mua bán người, buôn lậu…

Là một người trong ngành, Chu Thanh Hương có lợi thế là có thể thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu những điều mà người khác chưa hiểu về lực lượng công an cũng như những câu chuyện phía sau vụ án. Với công việc chuyên môn hiện tại, tuy không trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm nhưng chị có điều kiện đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, từ đồng đội trực tiếp làm công tác điều tra khám phá án, đến các nạn nhân và đối tượng phạm tội. Tất cả những yếu tố trên vừa là điều kiện thuận lợi để chị làm giàu hơn cho vốn sống của bản thân, vừa là nguồn tư liệu quý giá và động lực thúc đẩy chị tiếp tục viết nên những tác phẩm chân thực, sâu sắc hơn về những người đồng đội của mình và những mảnh đời phía sau từng vụ án.

Với những cống hiến đó, Chu Thanh Hương đã có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng tại cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức và được độc giả đón nhận, yêu mến như: Tiểu thuyết “Hoa bay”, “Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn”, “Phận liễu”. Chia sẻ về những dự định trước thềm xuân mới 2021, nhà văn Chu Thanh Hương chia sẻ: Hiện giờ, tôi sẽ tạm dừng bước ở tiểu thuyết “Phận liễu” để tập trung vào công việc chuyên môn, chăm sóc gia đình và tích lũy tư liệu, cảm xúc để chờ ngày gặp được ý tưởng hay cho tác phẩm tiếp theo.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng: “Dùng tác phẩm để lan tỏa, kết nối văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nguyễn Sơn Tùng sinh năm 1974, là hội viên Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Anh là người dân tộc Kinh, không theo học nhiếp ảnh, chỉ xuất phát từ đam mê, từ cái duyên tình cờ gặp người Dao tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình vào năm 2017, anh đã tìm hiểu và đi chụp ảnh về người dân tộc Dao sinh sống tại các nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Càng đi càng chụp thì anh càng hiểu biết hơn về phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào người Dao. Ngoài người Dao, Tày, Nùng Lạng Sơn, anh còn tìm hiểu và chụp ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên, Hà Giang, Lào Cai.

Từ năm 2017 đến nay, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng đã có gần 10 tác phẩm đạt các giải thưởng về nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Tiêu biểu gần đây nhất là tác phẩm: “Nước mắt đại ngàn”, đạt giải Xuất sắc trong Cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế Orhan Holding được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ: Thành công lớn nhất của tôi không phải ở các giải thưởng, mà từ chiếc áo dân tộc tặng cho tôi đến tình cảm, yêu mến, tin tưởng của đồng bào đối với tôi như một người con của dân tộc.

Chia sẻ về dự định của mình trong những ngày đầu xuân mới, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng cho biết: Tôi dự định thực hiện bộ ảnh về múa sư tử mèo tại lễ hội xuân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc. Ngoài ra tôi sẽ chụp thêm danh lam thắng cảnh của Lạng Sơn để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về cảnh sắc của Xứ Lạng. Tôi mong muốn tiếp tục dùng những bức ảnh của mình để lưu giữ, quảng bá, đưa các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

Mỗi một nghệ sĩ là một câu chuyện. Mỗi thành công ngày hôm nay của họ là cả một quá trình đam mê, lao động miệt mài, nghiêm túc. Trước thềm xuân mới Tân Sửu 2021, xin chúc cho những khát vọng, mơ ước, dự định của những nghệ sĩ này tiếp tục trở thành hiện thực, góp phần làm dày thêm  thành tích cho giới văn nghệ sĩ Xứ Lạng.

THANH HUYỀN - DƯƠNG DUYÊN