Thứ hai,  08/07/2024

Khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý vận tải

So cùng kỳ năm 2012, từ đầu năm đến nay, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) có giảm, nhưng số người chết lại tăng nhẹ. Ðể ngăn chặn TNGT và phấn đấu đạt mục tiêu năm 2013, giảm ít nhất 5% số người chết so năm trước, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt và triệt để hơn.

So cùng kỳ năm 2012, từ đầu năm đến nay, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) có giảm, nhưng số người chết lại tăng nhẹ. Ðể ngăn chặn TNGT và phấn đấu đạt mục tiêu năm 2013, giảm ít nhất 5% số người chết so năm trước, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt và triệt để hơn.

Số người chết tăng lên chủ yếu từ hậu quả của các vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng do xe ô-tô kinh doanh vận tải (xe khách chạy tuyến cố định, xe tải) gây nên. Nguyên nhân chính do: lái xe và các cơ sở kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về an toàn giao thông; công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải còn bị buông lỏng, hiệu lực của công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế. Thí dụ: Trong đợt thanh tra gần đây, những con số tổng hợp từ dữ liệu thông tin thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của 1.200 phương tiện vận tải trong 10 ngày cho thấy: Bình quân mỗi xe khách chạy quá tốc độ 22 lần, xe buýt là bảy lần; xe vi phạm quá tốc độ nhiều nhất là 300 lần; tốc độ cao nhất là 126 km/giờ… Ðó là vi phạm của lái xe, còn chủ xe thì sao? Phần lớn các doanh nghiệp (DN) cổ phần và HTX buông lơi việc quản lý người lái và phương tiện, không quản lý, điều hành, chỉ ghi danh hoặc khoán trắng. Hơn một nửa số DN bị thanh tra có danh sách lái xe, phụ xe không khớp với thực tế. Nhiều trường hợp, danh sách chỉ để làm thủ tục đăng ký hoạt động, nhưng cụ thể là xe giao cho ai lái, bằng cấp ra sao, có nghiện ma túy, rượu bia hay không, chủ xe không hề biết.

Tình trạng nêu trên trở nên phổ biến và kéo dài, phần nào phản ánh sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về vận tải và hiệu lực hạn chế của hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Về trách nhiệm của quản lý nhà nước, nếu có điều cần làm rõ thêm thì đó là vấn đề cung vượt cầu. Theo phản ánh của nhiều lái xe khách, hiện có quá nhiều xe kinh doanh cùng hoạt động trên một số tuyến cố định. Trừ dịp lễ, Tết (quá tải do luồng khách lệch chiều), còn bình thường là “đông xe, thưa khách”, cho nên cạnh tranh là chuyện sống còn. Không ít lái xe, chủ xe thì phương tiện hành nghề là cả cơ nghiệp (cắm sổ đỏ để vay tiền đầu tư xe) nay đứng trước khả năng thua lỗ, không thu hồi được vốn. Ðiều này lý giải phần nào tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách quyết liệt; thậm chí hành hung, đe dọa đối thủ cạnh tranh; tạo lợi thế bằng mua “lốt”, mua “đường”, hối lộ để được làm ngơ khi chạy rà “vợt” khách hai đầu bến. Cũng do khách ít, doanh số thấp, nhà xe tìm mọi cách tăng thu, giảm chi, như đưa mức khoán cao gây áp lực cho lái xe hoặc không thuê lái phụ để một lái chính chạy suốt chuyến, dẫn đến vi phạm quy định lái xe quá bốn tiếng liên tục và quá 10 tiếng trong một ngày. Ở đây, có phần thiếu tính toán khi đầu tư phương tiện, hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của lái xe và chủ xe, song trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vận tải cũng khá lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến cung vượt cầu là do chưa có quy hoạch vận tải khách liên tỉnh, phần nào đó là lỏng lẻo về cơ chế và quản lý các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, cho nên đã dẫn đến tình trạng tự “bó” tay mình: Dù xe kinh doanh đã bão hòa, nhưng việc đăng ký xe mới, “lốt” mới vẫn tăng đều, không điều tiết được do thiếu căn cứ pháp lý…

Theo quy định, có 48 nghìn xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị GSHT và từ ngày hôm nay (1-7), các cơ quan chức năng sẽ bắt đầu xử phạt xe không lắp đặt thiết bị này hoặc lắp đặt nhưng không hoạt động. Không có cách nào khác hơn, trong thời điểm bản lề này, đòi hỏi phải quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, tập trung và nỗ lực đưa quy định nêu trên vào cuộc sống. Nhất là phát huy tác dụng của thiết bị GSHT, trước hết đối với lái xe và DN trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, quản lý phương tiện và người lái, điều hành vận tải. Bộ GTVT chỉ đạo, phối hợp các địa phương tích hợp, kết nối dữ liệu từ thiết bị GSHT để quản lý, phát hiện, cảnh báo và xử lý theo quy định pháp luật những vi phạm về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục đối với lái xe và cơ sở kinh doanh vận tải. Ðồng thời, cần sớm sửa đổi và xây dựng mới các văn bản pháp quy, nhằm tạo sự đồng bộ, như: Thay thế thông tư về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô-tô, bổ sung và siết lại các điều kiện kinh doanh, đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động vận tải ô-tô. Ban hành thông tư quy định về quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ vận tải ô-tô, quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm về chất lượng và an toàn giao thông trong vận tải đường bộ. Trong đó, áp dụng một số quy định như: nếu đơn vị kinh doanh vận tải để 20% số phương tiện chạy quá tốc độ thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh; nếu phương tiện vi phạm liên tục thì tước phù hiệu chạy tuyến… Tương tự như thế, xây dựng, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh là một nhiệm vụ ưu tiên trong triển khai Ðề án “Ðổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT” vừa được phê duyệt…

Ðây cũng là những việc làm thiết thực nhằm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, kết hợp với nhiều giải pháp khác, là cách chủ động nhất nhằm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém; góp phần nâng tầm công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ trong thời gian tới.

Theo Nhandan