Thứ sáu,  20/09/2024
Nạn nhân nhiễm chất độc da cam:

Cần sự sẻ chia của cộng đồng

LSO-Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có 1.162 người nghi phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC), đến nay mới có 210 người được hưởng chế độ. Phần lớn các nạn nhân nhiễm chất độc da cam (NNCĐDC) sức khỏe đều ốm yếu, kinh tế gia đình khó khăn và tổn thất về tinh thần. Họ rất cần sự chung tay sẻ chia của cộng đồng để ổn định cuộc sống.

Nhà tài trợ tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam Lành Mạnh Duyễn, thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng

Nhiều năm qua, gia đình ông Lành Viết Vịnh (sinh năm 1945) thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn phải gánh chịu nhiều nỗi đau. Bản thân ông Vịnh và con trai cả  Lành Mạnh Duyễn (sinh năm 1977) đều bị nhiễm CĐDC. Di chứng của CĐDC khiến cơ thể ông Vịnh ngày càng teo tóp, chân tay yếu gây khó khăn khi đi lại và xuất hiện nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Ông Vịnh cho biết: Tôi tham gia quân ngũ từ năm 1966, tại đường 559, Bộ đội Trường Sơn. Sau khi thống nhất đất nước, tôi trở về quê hương sinh sống và lập gia đình. Đến năm 1977, vợ chồng có con trai đầu lòng (Lành Mạnh Duyễn), nhưng sinh ra đã có những biểu hiện khác thường, làn da xuất hiện nhiều u hạch khắp cơ thể. Càng lớn, các u hạch trên người cháu càng xuất hiện nhiều và to dần lên. Vào những ngày trái gió trở trời, tại các u, hạch đó gây ngứa và đau nhức. Nhìn thấy con như vậy tôi rất xót xa.

Còn gia đình bà Lê Thị Nhã, đường Trần Quang Khải, khối 11, phường Chi Lăng cũng gánh chịu nỗi đau về CĐDC tương tự. Bà Nhã quê Diễn Châu, Nghệ An, tham gia kháng chiến năm 1968 thuộc Bộ đội Thông tin Trường Sơn. Bà Nhã và chồng đều tham gia kháng chiến, sau ngày giải phóng ông bà kết hôn và về Lạng Sơn sinh sống. Thế nhưng, nỗi đau của CĐDC đã khiến ông, bà phải gánh chịu nhiều khổ cực, bế tắc trong cuộc sống. Vợ chồng bà Nhã sinh được 2 người con thì đều nhiễm CĐDC. Con gái đầu lòng bị thần kinh không ổn định, đã bỏ nhà đi biệt tích cách đây hơn 10 năm nay, còn con trai Hoàng Văn Ban (sinh năm 1987) từ khi sinh ra chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự giúp đỡ của người mẹ. Còn chồng bà Nhã cũng do bị nhiễm CĐDC nên đã qua đời hơn 10 năm nay.

Trên đây chỉ là hai trong số hơn 200 NNCĐDC trên địa bàn thành phố phải gánh chịu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong đó còn có 6 gia đình NNCĐDC còn khó khăn về nhà ở. Để xoa dịu nỗi đau da cam, trong những năm qua, Hội NNCĐDC thành phố đã vận động, kêu gọi các cấp chính quyền, tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ các nạn nhân vượt qua khó khăn. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, hội thường xuyên tiếp nhận quà từ cấp tỉnh, trung ương phân bổ và trích quỹ, vận động các tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà được từ 200 – 300 suất trở lên.

 Bên cạnh đó, hội thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các NNCĐDC thế hệ thứ hai, bình quân mỗi năm tặng trên 50 suất quà. Đồng thời, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau và thăm viếng NNCĐDC khi qua đời. Từ năm 2015 cho đến nay, Hội NNCĐDC thành phố Lạng Sơn đã đề nghị cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ xây, sửa 15 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên. Tuy nhiên đến nay các gia đình NNCĐDC khó khăn về nhà ở vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố cho biết: Trong những năm qua, hội luôn xác định chăm sóc, giúp đỡ hội viên là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, sự trợ giúp, hỗ trợ của hội cho hội viên chỉ mang tính chất động viên tinh thần. Mặt khác, đời sống NNCĐDC gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, qua đây, tôi mong muốn, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ các NNCĐDC để họ có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

ĐĂNG THÙY