Thứ sáu,  20/09/2024

Năng động trong phát triển kinh tế

LSO-Nói đến Nông Quang Tiến, Làng Mủn, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, mọi đoàn viên, thanh niên ở đây đều trầm trồ thán phục, anh không chỉ là một Bí thư Đoàn xã nhiệt tình trong công việc, mà còn là một người năng động trong phát triển kinh tế. Đến thăm gia đình, được tận mắt chứng kiến mô hình nuôi lợn nái của Tiến, nhìn thật thích mắt, 10 con lợn nái, hơn 50 con lợn con, con nào cũng hồng hào, khỏe mạnh. Hệ thống chuồng trại được đầu tư khoa học, chuồng được làm từng ô bằng sắt, mỗi ô một con riêng biệt; máng cho ăn, chỗ thải phân, đều thiết kế hợp lý, sạch sẽ, thoáng mát, tiết khiệm diện tích chăn nuôi.Tiến cho biết: Năm 2006 sau khi được đi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại huyện và tỉnh, trong đó có kỹ thuật nuôi lợn nái, hơn nữa thấy nhu cầu lợn giống trên địa bàn xã rất cao, những hộ gia đình đầu tư chăn nuôi, phải ra tận chợ Đồng Mỏ mua lợn giống ở dưới xuôi mang lên. Tiến đã suy nghĩ phải đầu tư...

LSO-Nói đến Nông Quang Tiến, Làng Mủn, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, mọi đoàn viên, thanh niên ở đây đều trầm trồ thán phục, anh không chỉ là một Bí thư Đoàn xã nhiệt tình trong công việc, mà còn là một người năng động trong phát triển kinh tế.
Đến thăm gia đình, được tận mắt chứng kiến mô hình nuôi lợn nái của Tiến, nhìn thật thích mắt, 10 con lợn nái, hơn 50 con lợn con, con nào cũng hồng hào, khỏe mạnh. Hệ thống chuồng trại được đầu tư khoa học, chuồng được làm từng ô bằng sắt, mỗi ô một con riêng biệt; máng cho ăn, chỗ thải phân, đều thiết kế hợp lý, sạch sẽ, thoáng mát, tiết khiệm diện tích chăn nuôi.
Tiến cho biết: Năm 2006 sau khi được đi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại huyện và tỉnh, trong đó có kỹ thuật nuôi lợn nái, hơn nữa thấy nhu cầu lợn giống trên địa bàn xã rất cao, những hộ gia đình đầu tư chăn nuôi, phải ra tận chợ Đồng Mỏ mua lợn giống ở dưới xuôi mang lên. Tiến đã suy nghĩ phải đầu tư phát triển chăn nuôi lợn nái. Cuối năm 2007 Tiến đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng Ngân hàng Nông nghiệp huyện, cộng với vốn tự có đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái, lúc đầu nuôi 2 con, sau nâng lên 6 con. Bằng kiến thức học được ở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cộng với nghiên cứu qua sách vở, báo, đài, các mô hình chăn nuôi thực tế, sau một năm Tiến đã nuôi thành công. Cuối năm 2008 đàn lợn nái của Tiến đã cho ra đời 46 con lợn con, bán ra thị trường thu nhập được trên 20 triệu đồng, thấy có hiệu quả, năm 2009 Tiến mua thêm 4 con, nâng đàn lợn lên 10 con, đồng thời xuống Bắc Giang học tập mô hình nuôi lợn nái theo phương pháp hiện đại, mạnh dạn đầu tư 80 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại mới, phù hợp nuôi lợn nái và chăm sóc lợn con, do vậy trong hơn một năm Tiến đã xuất chuồng được 140 lợn con, mỗi con nặng từ 16-18 kg, thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Tiến cho biết, muốn nuôi lợn nái đạt hiệu quả, ngoài chọn giống tốt, cần phải đầu tư chuồng trại khoa học, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, phải thường xuyên tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho lợn, thức ăn chính của lợn là cám gạo, ngô, sắn nghiền nhỏ, kết hợp với bỗng rượu, bã đậu, rau lang, cây chuối, khi lợn mẹ nuôi con, phải tăng thêm khẩu phần ăn như đạm sữa, đu đủ, gạo nếp… Cách chăn: đổ thức ăn vào máng, mỗi ngày cho lợn ăn ba bữa, buổi sáng 7 giờ, trưa 11giờ 30 phút, chiều 5 giờ. Trong những ngày đầu lợn mẹ sinh sản, phải thường xuyên theo rõi thắp điện sưởi ấm cho lợn con, sau 30 ngày tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dịch tả, 45 ngày tiêm phòng tụ huyết trùng. Đối với lợn mẹ khi nào tiêm phòng lợn con là kết hợp tiêm lợn mẹ.
Ngoài phát triển chăn nuôi lợn, Tiến còn mở dịch vụ bán phân lân, đạm, thức ăn cho gia súc, gia cầm phục vụ cho bà con trong xã, đầu tư làm đậu, nấu rượu, lấy bã và bỗng chăn lợn; trồng trên 2.000 cây keo, trám đen, thâm canh 1 mẫu lúa, 4 sào ngô. Tổng thu nhập một năm trên 100 triệu đồng, đã bảo đảm được cuộc sống gia đình ổn định và mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt. Thời gian tới Tiến tiếp tục đầu tư nuôi thêm 4 lợn nái để mở rộng quy mô tăng thu nhập.

La Nam