Thứ sáu,  20/09/2024

Một người Dao trồng người và trồng cây giỏi

LSO-Anh Bàn Nho Quý, dân tộc Dao, sinh năm 1966 tại thôn Đồng Tiến, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, là người thầy tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu.Nhất Tiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Sơn, trung tâm xã cách thị trấn Bắc Sơn 40 km về phía Tây Nam, giáp với huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng. Do mật độ dân cư thưa thớt, các làng bản cách xa nhau nên việc các cháu đến trường học phải đi xa từ 5-7 km, đối với các lớp đầu cấp tiểu học gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nhiều năm học trước đây, học sinh vào lớp 1 không đúng độ tuổi và cũng có khá nhiều trường hợp bỏ học với lý do gia đình khó khăn về kinh tế và neo đơn không có người đưa đến trường.Tình hình trên đây là trăn trở của thầy Quý bấy lâu nay. Vấn đề ở đây đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường gia đình và xã hội nên thầy đã nhiều lần...

LSO-Anh Bàn Nho Quý, dân tộc Dao, sinh năm 1966 tại thôn Đồng Tiến, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, là người thầy tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Nhất Tiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Sơn, trung tâm xã cách thị trấn Bắc Sơn 40 km về phía Tây Nam, giáp với huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng. Do mật độ dân cư thưa thớt, các làng bản cách xa nhau nên việc các cháu đến trường học phải đi xa từ 5-7 km, đối với các lớp đầu cấp tiểu học gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nhiều năm học trước đây, học sinh vào lớp 1 không đúng độ tuổi và cũng có khá nhiều trường hợp bỏ học với lý do gia đình khó khăn về kinh tế và neo đơn không có người đưa đến trường.
Tình hình trên đây là trăn trở của thầy Quý bấy lâu nay. Vấn đề ở đây đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường gia đình và xã hội nên thầy đã nhiều lần họp với các phụ huynh học sinh để nghe tâm tư nguyện vọng của các phụ huynh. Sau khi nắm được nguyên nhân khó khăn của từng em học sinh, thầy đã phân công các thầy cô giáo của trường đến từng gia đình bàn biện pháp khắc phục để đưa các em đến lớp.
Là một cán bộ quản lý ở một xã đặc biệt khó khăn về nhiều mặt, bản thân thầy Quý luôn gương mẫu, tận tụy với công việc được giao, đoàn kết với đồng nghiệp, tạo thành một tập thể thống nhất ý chí, thống nhất hành động và làm tốt công tác dân vận đối với nhân dân nên từ năm học 2007-2008 đến nay, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, học sinh lưu ban và bỏ học đã giảm đáng kể; mở được 3 lớp học linh hoạt cấp tiểu học.

Cá nhân thầy Quý hằng năm đều đạt lao động tiên tiến, năm 2009 được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng thành tích trong công tác giáo dục dân tộc và đạt danh hiệu cán bộ quản lý giỏi cấp huyện. Trong 5 năm qua, Trường tiểu học xã Nhất Tiến đã có 168 lượt viên chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến; 14 lượt tổ chuyên môn đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến; 2 cá nhân và nhà trường được biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến của ngành giáo dục và đào tạo huyện Bắc Sơn. Ngoài công việc của nhà trường, thầy còn trồng được 3 ha cây ăn quả như quýt, cam, xoài, hồng, vải thiều. Từ năm 2006 đến nay nguồn thu từ vườn mỗi năm được 35 triệu đồng, năm 2009 thu được 40 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ cây ăn quả, mỗi năm gia đình thầy Quý còn thu từ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm từ 7-8 triệu đồng. Năm 2009 đã hỗ trợ 6 hộ trong thôn vay 13,4 triệu đồng không lấy lãi để phát triển sản xuất. Tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến của huyện Bắc Sơn ngày 22/3/2010, thầy Bàn Nho Quý đã được Ban tổ chức hội nghị mời tham luận về “gương điển hình của cán bộ quản lý trường học và phát triển kinh tế gia đình”.

Hoàng Quang Hiểu