Thứ sáu,  20/09/2024

Gìn giữ nghề dệt truyền thống

LSO-Năm 1995, dự án phát triển nghề dệt của người Nùng ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đã được triển khai thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại Lạng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam (HRPC).Từ những ngày đầu mới thực hiện dự án đã có trên 100 chị em tham gia, trong đó người có vai trò làm “nhạc trưởng” chính là bà Hứa Thị Miền (xóm Phai Tấm, thôn Co Cam, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc) - một người tâm huyết với nghề dệt truyền thống. Các chị em tham gia nhóm dự án đã được các chuyên gia ở Mỹ sang hướng dẫn về cách dệt, cách xử lý, phối hợp màu sắc, cách tạo hoa văn theo gu thẩm mỹ của người tiêu dùng trên thị trường. Tuy nhiên, do nhiều chị em đi lấy chồng ở nơi khác và do những hoàn cảnh khác nhau nên sau 15 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án còn khoảng 30 chị em tiếp tục theo nghề dệt và thêu các sản phẩm truyền thống.Bà Miền...

LSO-Năm 1995, dự án phát triển nghề dệt của người Nùng ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đã được triển khai thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại Lạng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam (HRPC).
Từ những ngày đầu mới thực hiện dự án đã có trên 100 chị em tham gia, trong đó người có vai trò làm “nhạc trưởng” chính là bà Hứa Thị Miền (xóm Phai Tấm, thôn Co Cam, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc) – một người tâm huyết với nghề dệt truyền thống. Các chị em tham gia nhóm dự án đã được các chuyên gia ở Mỹ sang hướng dẫn về cách dệt, cách xử lý, phối hợp màu sắc, cách tạo hoa văn theo gu thẩm mỹ của người tiêu dùng trên thị trường. Tuy nhiên, do nhiều chị em đi lấy chồng ở nơi khác và do những hoàn cảnh khác nhau nên sau 15 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án còn khoảng 30 chị em tiếp tục theo nghề dệt và thêu các sản phẩm truyền thống.

Bà Miền giới thiệu sản phẩm cho khách.
Dưới sự chỉ bảo của bà Miền, sự hướng dẫn tạo điều kiện của các chuyên gia, nhiều chị em đã thành thạo việc thêu, dệt sản phẩm, đáp ứng chất lượng bán ra thị trường. Trao đổi với phóng viên, bà Miền cho biết: Năm 1996 là năm đầu tiên chúng tôi đem sản phẩm xuống bán ở Hội chợ triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Khách hàng, nhất là khách Tây cứ cầm mãi những sản phẩm thổ cẩm của mình và tấm tắc khen khiến chúng tôi rất vui. Đó chính là động lực giúp cho bản thân tôi càng yêu nghề hơn, say mê sáng tạo hơn và mong muốn truyền lại nghề này cho thế hệ trẻ. Nói, nghĩ và làm chính là đức tính quý báu của bà Miền. Dưới sự hỗ trợ của dự án, bà Miền đã hăng hái truyền lại nghề cho các con, các cháu. Bà có 3 người cháu nội và 4 người cháu ngoại, hầu hết các cháu đều đang cố gắng tiếp thu sự chỉ bảo của bà để học lấy nghề dệt nhằm lưu giữ cái nghề truyền thống đã có từ lâu đời tại địa phương. Không những vậy bà còn được các xã mời làm giáo viên hướng dẫn lớp trẻ học nghề. Tại Hòa Cư, bà đã mở được 3 lớp với sự tham gia của 90 người, trong đó có 1 lớp dạy cho học sinh lớp 4. Phong trào học nghề dệt thổ cẩm của nữ thanh niên xã Hòa Cư đã thúc đẩy các địa phương khác học tập nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên. Trong những năm qua, Hội phụ nữ xã Hải Yến cũng đã ký hợp đồng với bà Miền mở được 2 lớp, thu hút 120 người tham gia học nghề. Sự nhiệt tình, đam mê của bà dành cho nghề dệt đã khiến cho lớp trẻ ngày nay biết trân trọng nghề, trân trọng những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc của quê hương.
Nói về việc tiêu thụ các sản phẩm ra thị trường, bà Miền hồ hởi: Nếu hỏi tôi đã làm được bao nhiêu sản phẩm thì không tài nào đếm và nhớ hết được đâu, vì khách hàng cứ đặt là làm và tiêu thụ hết, sản phẩm trưng bày và bán lẻ cũng không có nhiều thời gian đầu tư làm, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng là nhiều. Được dự án hỗ trợ 5 máy dệt và 1 máy vắt xổ nên đã tạo điều kiện cho chị em làm sản phẩm tốt hơn. Không những vậy, dự án còn hỗ trợ chúng tôi bộ mẫu thiết kế độc quyền, nâng cao năng lực, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt bán ra thị trường… Hiện nay, nhóm sản phẩm chủ yếu được đặt hàng nhiều là các loại túi mềm, bộ khăn trải bàn, gối tựa, sách, ví, khung ảnh, túi đựng điện thoại, móc treo điện thoại… Dưới bàn tay khéo léo của bà Miền và các chị em, hầu hết các sản phẩm làm ra đều được khách hàng chấp nhận, yêu thích và liên tục đặt hàng. Với những kết quả khả quan đó, hàng tháng thu nhập của chị em trung bình được 300-400 ngàn đồng. Mặc dù chưa cao song cũng phần nào cải thiện đời sống, giúp chị em có thêm thu nhập trong những ngày nông nhàn. Tâm sự với chúng tôi, bà Miền trầm tư: Thực ra thu nhập chưa cao cũng là vấn đề đáng bàn bởi các chị em cũng chưa bỏ nhiều công sức vào công việc. Phần lớn vẫn là tranh thủ những lúc rỗi rãi thì làm do vậy mà làm không được nhiều, thậm chí nếu không hối thúc thì nhiều lúc các chị em còn giao sản phẩm không kịp thời hạn. Chính vì thế, hiện nay đầu ra có rồi, chỉ là làm thế nào để thu hút chị em làm nghề một cách tâm huyết, chuyên nghiệp hơn thôi.
Tâm tư của bà Miền cũng chính là khó khăn chung của dự án phát triển nghề dệt ở địa phương hiện nay. Chia tay mảnh đất có nghề dệt truyền thống này, tôi chợt nhớ đến câu đùa vui của bà Miền: nếu được trả lương hàng tháng chắc các chị em sẽ tâm huyết hơn là trả tiền theo công và theo sản phẩm như bây giờ. Thiết nghĩ rằng, đó cũng là một hướng mở để các cấp, các ngành liên quan cũng như đơn vị hỗ trợ dự án theo đó xem xét và có chế độ đãi ngộ hợp lý để chị em chuyên tâm với nghề dệt. Có như vậy mới mong gìn giữ được nghề dệt truyền thống cũng là phù hợp với định hướng du lịch làng nghề của địa phương.

Thanh Huyền