Thứ sáu,  20/09/2024

Triệu phú trên đỉnh Mẫu Sơn

LSO-Nhắc đến Triệu Văn Thắng, bà con dân tộc Dao ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đều bày tỏ sự khâm phục bởi nghị lực phi thường trong hành trình vượt khó, làm giàu từ hai bàn tay trắng của anh thanh niên chưa đầy 30 tuổi này.Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, lại đông anh em, cha mẹ anh làm lụng vất vả nhưng cũng không thấm vào đâu, cái ăn phải chạy lo từng bữa nên cái học cũng chẳng đi tới đâu. Năm 17 tuổi anh đã quyết định hai bàn tay trắng ra sống tự lập, anh chọn một quả đồi riêng cho mình và dựng lấy một túp lều ở tạm. Nghề nghiệp của anh lúc bấy giờ chỉ là làm thuê, làm mướn, từ chăn trâu, cắt cỏ đến gánh mướn, phụ hồ...để có thể tự nuôi sống bản thân mình. Qua những ngày tháng đi làm thuê, anh hiểu ra rằng cái nghề vất vả này không thể làm lâu dài và làm giàu được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã quyết định vay 2 triệu đồng từ ngân hàng. Với số vốn ít ỏi ban đầu anh quyết...

LSO-Nhắc đến Triệu Văn Thắng, bà con dân tộc Dao ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đều bày tỏ sự khâm phục bởi nghị lực phi thường trong hành trình vượt khó, làm giàu từ hai bàn tay trắng của anh thanh niên chưa đầy 30 tuổi này.
Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, lại đông anh em, cha mẹ anh làm lụng vất vả nhưng cũng không thấm vào đâu, cái ăn phải chạy lo từng bữa nên cái học cũng chẳng đi tới đâu. Năm 17 tuổi anh đã quyết định hai bàn tay trắng ra sống tự lập, anh chọn một quả đồi riêng cho mình và dựng lấy một túp lều ở tạm. Nghề nghiệp của anh lúc bấy giờ chỉ là làm thuê, làm mướn, từ chăn trâu, cắt cỏ đến gánh mướn, phụ hồ…để có thể tự nuôi sống bản thân mình. Qua những ngày tháng đi làm thuê, anh hiểu ra rằng cái nghề vất vả này không thể làm lâu dài và làm giàu được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã quyết định vay 2 triệu đồng từ ngân hàng. Với số vốn ít ỏi ban đầu anh quyết định đầu tư mua một bộ đồ nghề nấu rượu về nấu rượu truyền thống của dân tộc. Tiền vốn không đủ anh phải đi mua chịu gạo với giá cao về nấu rượu bán. Nhưng rượu của anh làm đến đâu bán hết tới đó, sau 2 năm cặm cụi với nghề nấu rượu, không những trả được hết nợ mà anh còn tích lũy được một số vốn. Anh đã quyết định kết hợp giữa nấu rượu và nuôi lợn. Nghĩ rồi anh làm, ban đầu anh nuôi 10 con thấy có lãi tăng lên 20 con. Nhưng ở thời điểm này dịch bệnh quá nhiều, do không hiểu biết kĩ nên anh đã bị thất bại và lâm vào hoàn cảnh lao đao nhưng anh không nản chí. Thấy nuôi lợn không có lãi, qua tìm hiểu anh thấy nhu cầu tiêu thụ trứng trên thị trường rất lớn. Anh quyết sửa sang chuồng lợn thành chuồng gà và mua 2000 con gà về nuôi đẻ trứng. Những đợt đầu gà khỏe mạnh, đẻ rất đều và không có vấn đề gì, trứng có đến đâu được giao bán hết đến đấy. Nhưng do dịch cúm gia cầm hoành hành và không am hiểu về kĩ nuôi gà nên một lần nữa anh lại thất bại do gà không đẻ và chết hàng loạt.

Anh Thắng bên trại lợn của gia đình.
Sau 2 lần thất bại, anh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong chăn nuôi. Không hề nản chí thời gian này vừa nấu rượu với số lượng lớn, đồng thời anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và tham khảo qua sách, báo, tivi… để tích luỹ kinh nghiệm. Sau một thời gian tự tìm tòi học hỏi, anh lại quay về với nghề ban đầu, đó là nấu rượu kết hợp nuôi lợn. Sau những lần thất bại trước lần này anh làm chuồng trại rất cẩn thận để đảm bảo vệ sinh và thường xuyên tiêm phòng, phun thuốc khử trùng cho chuồng trại nên lần này anh đã thành công.
Hiện nay, khu chuồng trại của anh rộng gần 1000 m2 và trong chuồng lúc nào cũng nôi từ 50 – 60 con lợn thịt và 6 con lợn nái, mỗi năm xuất 3 lứa mỗi lứa từ 4-5 tấn lợn hơi, trừ chi phí thu về 100 triệu đồng. Mỗi tháng còn sản xuất được 3000 lít rượu, tương đương với 3 tấn gạo, trừ chi phí cũng thu về trên 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, trong lúc giá cả đắt đỏ như hiện nay, anh đã biết kết hợp giữa việc nấu rượu để nuôi lợn tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Ngoài việc nấu rượu và nuôi lợn, anh Thắng còn trồng được 10.000 cây thông trên 10 năm tuổi, với giá bán hiện nay anh có thể thu về tiền tỷ. Trong nhà được xây bằng gạch khang trang giờ đã có những tiện nghi phục vụ sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, xe máy… Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Thắng còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương trên 1 triệu đồng/tháng. Không tự mãn với những thành quả đạt được, năm 2009 anh tiếp tục đầu tư 20 triệu đồng thuê máy xúc san lấp thêm hơn 600 m2 để mở rộng quy mô chuồng trại. Anh dự định trong những năm tới sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn. Ngoài việc sản xuất giỏi, anh Thắng còn tích cực tham gia công tác khuyến nông của xã, anh luôn giúp đỡ bà con nông dân trong xã cả vốn và cách áp dụng KHKT vào chăn nuôi, phòng chống bệnh dịch. Anh Thắng cho biết, những thành công của anh là học hỏi từ thất bại của chính bản thân nên anh luôn tự trau dồi kiến thức mới qua tất cả các kênh thông tin, tích lũy kinh nghiệm, từng bước phát triển mô hình kinh tế của mình một cách bền vững.

Bằng nghị lực vượt qua nghèo khó, ý chí quyết tâm làm giàu, không khuất phục trước khó khăn, anh Thắng đã thành công. Những kết quả mà anh đã đạt được trên con đường khởi nghiệp thật đáng trân trọng, thể hiện cho ước vọng và ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của những thanh niên nông thôn trên chính mảnh đất quê hương còn nhiều gian khó của anh. Anh xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập nghiệp để các bạn trẻ học tập, noi theo.

Hoàng Văn Hương