Thứ năm,  19/09/2024

Tháng thanh niên gặp những triệu phú trẻ

LSO-Trong khi nhiều thanh niên chọn cách “ly hương” để tìm kiếm cơ hội việc làm tại các khu công nghiệp, thành phố lớn thì nhiều thanh niên nông thôn đã trở thành triệu phú nhờ biết tận dụng và phát huy tiềm năng của địa phương.
Thanh niên Cao Lộc nâng cao thu nhập nhờ ghép dưa lai bầu

Tại rất nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh, hết Tết Nguyên đán là thanh niên lại lên đường đến các khu công nghiệp hoặc sang bên kia biên giới tìm kiếm cơ hội việc làm với mong ước có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thanh niên nông thôn đã gắn bó và làm giàu trên mảnh đất họ đã được sinh ra. Trong những ngày tháng ba này, chúng tôi có dịp gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu được nhận giải thưởng Lương Định Của – giải thưởng cao quý nhất của Trung ương Đoàn dành tặng cho những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Người dân xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng không xa lạ với cái tên Lâm Quốc Nguyên. Sau 5 năm nỗ lực trong lao động, sản xuất, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, đến nay, anh đã trở thành một ông chủ thực thụ với trang trại được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng chăn nuôi trên 1.000 con gà thịt, gà cho trứng, 100 con lợn, với hơn 10 lợn nái; 7 sào ao cá cùng hơn 5 ha rừng.

Nói về cơ ngơi đang có, anh tâm sự: Lập gia đình năm 2008, với hơn 1 mẫu ruộng, vườn làm vốn sản xuất. Làm thế nào để ruộng đồng sinh lợi nhuận và làm giàu khiến mình trăn trở. Mình đã tự mày mò, tìm kiếm các thông tin trên báo, đến tận các trang trại chăn nuôi, trồng trọt để học hỏi kinh nghiệm. Những chuyến đi như vậy kết hợp với quá trình tự nghiên cứu mình đã tìm được hướng sản xuất…

Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ mục tiêu là tích lũy kinh nghiệm, vốn sản xuất, đến nay không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp đỡ cho 7, 8 thanh niên trên địa bàn xã có việc làm ổn định với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Theo anh muốn làm giàu thì tự bản thân mỗi người phải có mục tiêu để phấn đấu, không chỉ mục tiêu dài hạn mà còn phải đề ra những mục tiêu ngắn hạn trong tháng, trong năm để biết được mình có tiến bộ hay không. Việc học hỏi từ những người đi trước, bạn bè ở các địa phương là vô cùng quan trọng nhưng cũng phải nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để áp dụng cho phù hợp.

Tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, với chuyên ngành chế biến lâm sản, sau gần 10 năm mở rộng sản xuất, cậu sinh viên Lường Văn Hoa, thôn Tân Minh, xã Vân An, huyện Chi Lăng nay đã là chủ doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, chế biến gỗ và đồ gia dụng, nội thất. Nhận thấy trên địa bàn xã có thế mạnh về rừng, tốt nghiệp trở về anh đã mở một xưởng mộc nhỏ. Bước đầu là làm những vật dụng phục vụ nhu cầu của bà con trong xã như đóng bàn, ghế, xẻ gỗ… Những kiến thức khi còn đi học cộng với sự tỉ mỉ, sáng tạo, mỗi sản phẩm của anh đều được bà con trong vùng đánh giá cao.

Nhờ đó, lượng khách hàng ngày càng tăng lên không chỉ phạm vi trong xã, trong huyện và các sản phẩm còn được đưa ra thị trường được cho là “khó tính” như thành phố Lạng Sơn tiêu thụ. Từ một xưởng mộc nhỏ, đến nay đã được nâng cấp với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại với 4, 5 lao động thường xuyên và 7, 8 lao động theo thời vụ. Nhiều thanh niên lúc đầu được nhận phụ việc tại xưởng còn chưa biết gì đến nay đã trở thành thợ lành nghề với số tiền công được trả tăng lên gấp 2, 3 lần so với khi thử việc.

Nếu như Lâm Quốc Nguyên biết tận dụng đồng đất để làm giàu, Lường Văn Hoa dựa vào thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế thì Triệu Văn Hiệp, thôn Kéo Phị, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng lại lấy việc nghiên cứu thị trường làm gốc để kinh doanh. Thấy được nhu cầu xây dựng tại xã và các xã lân cận đang tăng cao, trên địa bàn xã lại có nhiều núi đá, là nguyên liệu chính cho sản xuất gạch bê tông. Cùng với đó, quãng đường từ xã ra huyện là hơn 19km, như vậy, phí vận chuyển sẽ tăng lên.

Chính vì vậy, anh đã vay vốn từ gia đình, bạn bè mở xưởng sản xuất gạch bê tông cung cấp cho các xã Thượng Cường, Vạn Linh, Bằng Mạc. Hiện nay, mỗi ngày xưởng đều cho ra 1.600 – 2.000 viên gạch song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Anh chia sẻ: cùng máy móc, thiết bị đó nhưng mỗi xưởng sản xuất lại cho ra một sản phẩm khác nhau, làm thế nào cho viên gạch vừa đẹp lại chắc chắn anh đã phải học hỏi rất nhiều từ bạn bè để rút ra kinh nghiệm cho riêng mình.

Trên đây chỉ là 3 trong rất nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu của Lạng Sơn trong việc làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình. Sinh ra tại các miền quê, khao khát làm giàu trên chính quê hương của mình mỗi người đều có hướng đi khác nhau để đến cái đích chung là làm ra nhiều của cải, vật chất. Trong năm 2013, toàn tỉnh có trên 110 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm, những mô hình này cũng đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm thanh niên nông thôn. Điều đó cho thấy rằng, thanh niên nông thôn vẫn có thể làm giàu ngay tại quê hương.

Từ những tấm gương điển hình trên, thanh niên các vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh có thể học hỏi, áp dụng phát triển kinh tế gia đình nhất là trong giai đoạn hiện nay đang có nhiều chương trình ưu đãi cho thanh niên nông thôn vay vốn làm kinh tế. Thiết nghĩ, tổ chức đoàn cần phát động nhiều phong trào thi đua làm kinh tế giỏi cũng như tăng cường công tác hỗ trợ vốn, tập huấn, trao đổi kinh nghiện hơn nữa để khuyến khích thanh niên làm giàu tại quê hương.

HOÀNG VƯƠNG