Thứ sáu,  20/09/2024

Chuyện kể của Y tá trưởng Tiểu đoàn 888 năm xưa

LSO-Quy luật của tạo hóa với cuộc đời mỗi một con người mà ai cũng hiểu là có sinh, rồi lão, bệnh, tử. Quy luật ấy càng thôi thúc cánh làm báo chúng tôi tìm gặp những người cao tuổi đã từng cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, nhất là trong chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra cách đây 60 năm.
Ông Tiệm kể  cho cháu nghe về những kỷ vật của ông khi tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Bởi họ là những nhân chứng sống về thời kỳ khói lửa, hào hùng ấy của dân tộc. Vì thế, tranh thủ những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, chúng tôi tìm gặp ông Lương Đình Tiệm, thôn Khòn Cải, xã Vân Mộng, huyện Văn Quan, cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào. Dù đã 82 tuổi song ông Tiệm còn rất minh mẫn, đặc biệt là ông còn nhớ tường tận quá trình cùng đồng đội xông pha trận mạc, đánh đuổi quân thù. Qua lời kể của ông, lịch sử hiện lên không chỉ là những khó khăn, mất mát mà còn là sự chiến đấu dũng cảm, tài tình, mưu trí của quân và dân ta.

Ông Tiệm nhập ngũ tháng 8 năm 1950 và được biên chế vào Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176 ( thuộc Sư đoàn 316). Thời gian đầu, do biết tiếng Pháp nên ông được đơn vị tạo điều kiện cho học cứu thương ngay tại chiến trường; sau đó, ông được cử làm Y tá trưởng của đơn vị. Chính cơ duyên này đã giúp ông được đi theo suốt chiều dài chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1952, sau giải phóng Việt Bắc, Tiểu đoàn 888 được lệnh tiến lên Tây Bắc theo hướng Phú Thọ. Cùng với Tiểu đoàn 304, 999, đây là đơn vị đầu tiên hành quân lên Tây Bắc; trong khi nhiều đơn vị khác còn đang huấn luyện tại Thanh Hóa, chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Nhiệm vụ của đơn vị lúc đầu là bao vây, chặn đường tiếp tế của quân địch tại sân bay Nà Sản (huyện Mai Sơn); sau đó tiến hành dẹp phỉ tại xã Mường Lầm (Sốp Cộp), xã Mường Hung (huyện Sông Mã) và khu vực huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ông Tiệm cho biết: bấy giờ, những khu vực này chưa có dân quân, dân công hỏa tuyến nên công tác hậu cần đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất thời điểm này là dịp tết Nguyên đán xuân Nhâm Thìn năm 1953, do không có thịt, bộ đội ta phải lấy củ mài làm nhân để gói bánh chưng. Khó khăn, gian khổ là thế đơn vị vẫn đoàn kết chiến đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Tháng 11/1953, sau thất bại tại chiến trường Thượng Lào, Lai Châu, quân Pháp bắt đầu cho lính nhảy dù xuống Điện Biên, tiến hành xây dựng cứ điểm quân sự mạnh tại đây. Lúc này, Tiểu đoàn 888 được lệnh tiến lên bao vây Hồng Cúm (còn gọi là phân khu phía Nam Điện Biên Phủ) để ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho Phân khu trung tâm hoặc phá vây chạy sang Lào. Ông Tiệm còn nhớ rõ: lúc bấy giờ, ta chỉ có 2 tiểu đoàn còn quân Pháp ngày càng thả dù xuống Điện Biên nhiều nên lực lượng không ngừng tăng lên. Để nghi binh, 2 tiểu đoàn ta phân tán, di chuyển liên tục đánh vòng quanh khu vực Hồng Cúm; đồng thời, vì thiếu vũ khí, đạn dược, quân ta phối hợp bắn phát một từ nhiều súng cùng một lúc tạo thành bắn liên thanh để giặc Pháp lầm tưởng quân ta đông, không dám manh động. Đầu năm 1954, đại quân của ta bắt đầu tiến lên cứ điểm Điện Biên để chuẩn bị mở chiến dịch. Đơn vị ông Tiệm lúc này được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 98 đánh chiếm C1, một trong các ngọn đồi được coi là thành luỹ bảo vệ cho cả tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi C1 chỉ cách sở chỉ huy của Đờ Cát vài trăm mét và trực tiếp kiểm soát 2 chiếc cầu qua sông Nậm Rốm.

Theo ông Tiệm, trận chiến tại đồi C1 diễn ra rất khốc liệt, 2 bên giằng co nhau từng tấc đất. Quân ta chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, đặc biệt là thiếu thốn thuốc men, phương tiện cứu chữa cho thương binh. Nhiều đồng chí do vết thương nặng, lúc mê man cứ hét ầm “xông lên, xông lên”… Ngoài ra, vì thiếu vũ khí, nhiều đồng chí dù tay không vẫn dũng cảm theo đồng đội xông lên đánh giặc; người trước ngã xuống, người sau cầm súng đứng lên, nhất là sau khi khối bộc phá nghìn cân của quân ta đánh sập lô cốt của địch trên đồi A1… “Đó là những khoảnh khắc, những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời lính của tôi” – ông Tiệm nghẹn ngào.  Sau chiến dịch, đơn vị ông Tiệm còn ở lại tiếp quản Điện Biên và giúp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh; tháng 7/1954, khi Hiệp định Giơ – ne – vơ được ký kết, ông phục viên trở về. Với ông, Điện Biên không chỉ là địa danh lịch sử mà còn như quê hương thứ 2 vậy. Nơi đó không chỉ có tình đồng chí, đồng đội mà còn chất chứa tình quân dân gắn bó bền chặt một thời. Trong không khí cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hơn ai hết, ông Tiệm không khỏi bồi hồi, bởi cũng chừng ấy năm, ông chưa về lại được với Điện Biên.

Chúng tôi chia tay ra về khi trời đã sẩm tối, còn ông thì cứ cố giữ ở lại, đồng thời còn cố kể thêm vài câu chuyện thời binh lửa với giọng đầy hào sảng. Bản thân tôi hiểu rằng, đó là sự níu giữ của người lính già, vì còn bao tâm sự, bao kỷ niệm còn chưa kể hết với thế hệ trẻ, trong khi tuổi già lại như ngọn đèn trước gió. Tôi thầm mong ông và gia đình luôn được mạnh khỏe; được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để cuộc sống ngày càng ổn định.

HOÀNG HUẤN