Thứ sáu,  20/09/2024

Ký ức Điện Biên trong trái tim người lính

LSO-Đã 6 thập kỷ trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ nhưng ký ức về một Điện Biên khói lửa, mất mát, hy sinh và cũng rất đỗi hào hùng vẫn mãi không phai mờ trong lòng bao thế hệ người con dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lớp lớp những người trực tiếp cầm súng đánh giặc ngày ấy.

Ông Vi Văn Đàm, khu Thống Nhất II, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng là một trong số những cựu chiến binh trong chiến dịch đó mà chúng tôi may mắn được gặp gỡ. Thông qua ông, thế hệ trẻ chúng tôi có cơ hội hiểu thêm về lịch sử đầy tự hào của dân tộc, càng thêm biết ơn với những người đã đóng góp máu xương cho tự do, độc lập ngày hôm nay.  

Ông Đàm mô tả lại quá trình đào hệ thống hào giao thông trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316)    

Dù đã ở vào tuổi 86 nhưng ông Đàm còn minh mẫn, tác phong vẫn nhanh nhẹn như người lính thủa nào. Năm 1947, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Đàm lên đường nhập ngũ, bắt đầu hòa mình vào cuộc kháng chiến trường chinh của cả dân tộc. Ông trở thành một trong những thế hệ người lính đầu tiên của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu II).

Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông là được cống hiến sức mình làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau giải phóng Việt Bắc, Sư đoàn của ông được cấp trên điều động xuống tỉnh Thanh Hóa huấn luyện, chuẩn bị tổng công kích giải phóng Tây Bắc. Tại đây, ông được cử làm Chính trị viên phó Đại đội 315 (Trung đoàn 174), trực tiếp làm công tác huấn huyện quân. Cuối năm 1953, Sư đoàn được cấp trên ra lệnh hành quân thần tốc lên chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Đàm còn nhớ rõ: Sư đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm đồi A1, cứ điểm khó đánh và là quan trọng nhất của quân địch, nó sẽ là bàn đạp tốt nhất để đánh vào sở chỉ huy của địch tại lòng chảo Mường Thanh. Vào cuối tháng 1/1954, khi chiến trận gần như đã sẵn sàng cho cuộc tổng công kích thì các nhánh quân được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lui về hậu cứ, chuyển sang phương án “Đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, các đơn vị được phân công đào hệ thống giao thông hào, tạo thành vòng thòng lọng xiết chặt quân địch. Ngoài đào giao thông hào, Trung đoàn 174 còn đảm nhiệm đào hầm đến dưới đồi A1 để đặt khối bộc phá trọng lượng 1.000kg. Những gian khổ trong thời gian này không sao kể xiết.

Theo lời ông Đàm, trong suốt chiến dịch, bộ đội ta mỗi người chỉ được phát một bộ quần áo lính, sau chiến dịch đều không còn mặc được nữa vì lội bùn, dầm mưa vải bị mục hết; chưa kể những trận càn quét, đánh phá của kẻ địch, rồi bệnh sốt rét hoành hành…. Trên cương vị là Chính trị viên phó Đại đội, ông luôn tích cực động viên các chiến sỹ dũng cảm chiến đấu; đồng cam, cộng khổ, quyết tâm đánh giặc, quyết chiến đến ngày toàn thắng… Tâm điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ là khối bộc phá được phát nổ trên đồi A1 ngày 6/5, phá sập hệ thống hầm ngầm của địch. Theo đó, Trung đoàn ông Đàm đã hoàn tất việc chiếm đồi, giảm được nhiều thương vong, giúp quân ta tiến lên đánh tan quân địch, giành đại thắng vào ngày 7/5/1954.

Khi được hỏi, trong chiến dịch, kỷ niệm nào là sâu sắc nhất đối với ông, ông Đàm lặng đi một lúc, nước mắt thấm dần qua kẽ mắt người lính già. “Những năm tháng hào hùng đó với tôi mãi không thể nào quên. Ở đó, tình đồng chí, tình quân dân luôn được gắn bó bền chặt, tạo nên sức mạnh hơn cả những cỗ máy, xe tăng quân thù. Trong số đó, rất nhiều những tấm gương chiến đấu anh dũng như đồng chí Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót vì đồng đội lấy thân mình lấp lỗ châu mai, ngăn chặn hỏa lực của địch…  đã truyền lửa cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu. Và còn rất nhiều đồng đội khác đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, trong đó có những đồng chí hy sinh vào phút cuối cùng khi cờ đỏ sao vàng của ta bay trên nóc hầm tướng Đờ cát.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Đàm lại cùng đồng đội hành quân vào miền Nam, góp sức cùng cả nước chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược; ông cũng từng tham gia giúp nước bạn Campuchia đánh dẹp tập đoàn Pôn Pốt. Năm 1980, ông được xuất ngũ trở về địa phương. Ghi nhận những đóng góp đó, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huân chương chiến sỹ vẻ vang; Huân chương chiến sỹ giải phóng… Giờ đây, dù đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn vẹn nguyên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ: dù ở đâu, làm gì, các cháu cũng cần phải xây dựng được thế trận lòng dân. Ví như trong kinh doanh, phải tạo uy tín với khách hàng; cần tìm hiểu nhu cầu của nhân dân mới là nhạy bén với thị trường. Hay như viết báo, cần hướng tới người đọc là ai, nội dung có phù hợp với bối cảnh thời sự không….

Chia tay ông Đàm, bản thân tôi cứ ngẫm mãi về lời dặn của ông. Và tự nhủ cần phải phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông ta cho độc lập, tự do hôm nay.

HOÀNG HUẤN