Thứ sáu,  20/09/2024

Những nhà “khoa học nhí”

LSO-Bạn bè, thầy cô, hàng xóm vẫn thường gọi hai em Trần Đức Hùng và Vũ Anh Phúc, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học 1, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn là những nhà “khoa học nhí” - biệt danh vừa trìu mến, vừa ngưỡng mộ. Vốn ham hiểu biết, hai em học sinh nghiên cứu, tìm tòi và chế tạo thành công những “công trình khoa học” nghiêm túc, có tính ứng dụng thiết thực trong đời sống.
Em Trần Đức Hùng (bên trái) và em Vũ Anh Phúc (bên phải) luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền

Như bao bạn nhỏ khác, internet luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Trần Đức Hùng và Vũ Anh Phúc. Không chỉ sử dụng internet để thử nghiệm các cuộc thi trên mạng hay giải trí lành mạnh, đối với Hùng và Phúc, internet còn là một kho kiến thức khổng lồ, giúp hai em thả sức tìm hiểu những kiến thức khoa học mà mình yêu thích. Nhận thấy niềm đam mê của hai em trong lĩnh vực khoa học, phụ huynh của Hùng và Phúc đã mạnh dạn trang bị cho các em những chiếc máy tính kết nối internet tại gia đình. Ngoài ra, tranh thủ thời gian học môn Tin học tại trường, Hùng và Phúc đều chủ động học tập, tiếp thu kiến thức nhằm nâng cao khả năng sử dụng thành thạo máy tính, từ đó phục vụ hiệu quả cho việc học tập và giải trí.

Chứng kiến người dân trong xã phải vất vả trong việc đối phó với các loại côn trùng vào mỗi mùa vụ, hai em nảy ra ý tưởng chế tạo một loại thiết bị để giúp bà con diệt trừ côn trùng. Với sự thông minh, sáng tạo, kết hợp với những kiến thức đã tìm hiểu từ internet và học từ thầy cô, hai em đã chế tạo thành công “đèn bắt muỗi và côn trùng tự động”. Sản phẩm được tận dụng từ chiếc vợt muỗi cũ hỏng của gia đình, một bóng đèn mới và dây cắm điện. Khi ánh sáng phát ra từ bóng đèn sẽ thu hút các loại côn trùng, nhưng bao quanh bóng đèn là lưới sắt đã được kích điện, vì vậy sẽ giảm thiểu tối đa các loại côn trùng bay vào.

Từ sự thành công của “Đèn bắt muỗi và côn trùng”, sản phẩm tự chế đơn giản này đã được người dân ở xã học tập. Nhờ đó, họ cảm thấy yên tâm và không phải lo vấn đề đối phó với các loại côn trùng vào thời điểm mùa vụ hay thời tiết nóng ẩm nữa. Công trình này đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2013, đồng thời được Ban tổ chức đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Năm 2014 này, hai em Hùng và Phúc tiếp tục tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh với sản phẩm “Quạt thông gió” đã được chế tạo và thử nghiệm thành công. Đây cũng là sản phẩm được tái chế từ những thiết bị đã cũ, hỏng trong gia đình, nay được em Hùng và Phúc tận dụng cho những “công trình khoa học” của mình.

Chị Dương Thị Hoa, phụ huynh em Trần Đức Hùng chia sẻ: biết được tác dụng của internet trong quá trình học tập, vì vậy gia đình đều có sự cân đối hài hòa thời gian sử dụng internet cho các cháu cũng như thời gian học tập, giải trí lành mạnh. Nhờ sự sắp xếp thời gian biểu hợp lý, khoa học nên 4 năm liền, hai em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm số các môn đều cao. Được biết hiện nay, tại huyện Bắc Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung đang có những điểm hỗ trợ truy cập internet cộng đồng tại trường học, bưu điện, nhà văn hóa xã…, Hùng và Phúc rất vui vì đây sẽ là cầu nối cho những em học sinh vùng sâu, vùng xa như các em được tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ, từ đó áp dụng hiệu quả vào việc học tập cũng như giải trí.

KHÁNH TRANG