Thứ năm,  19/09/2024

Người phụ nữ giàu nghị lực

LSO-Khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, có lẽ nhiều người sẽ suy sụp và gục ngã. Thế nhưng, ở thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình có một phụ nữ nghị lực đã chọn cách đối mặt và đấu tranh với bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống. 

Chị Vy Thị Xuyến đang rửa lại giá đỗ để chuẩn bị đóng hàng

Đó là chị Vy Thị Xuyến, hiện đang sống tại khu Lao Động, thị trấn Lộc Bình. Sinh năm 1971, sau khi học xong phổ thông, chị ao ước được trở thành cô giáo nên đã theo học Trường Sư phạm 10+3 Lạng Sơn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện tiếp tục học nên sau 2 năm theo học, cô sinh viên ngày ấy đã phải từ bỏ ước mơ, nghỉ học lấy chồng năm 1990. Sau khi kết hôn, chị ngày đêm suy nghĩ làm sao để có thu nhập trang trải cuộc sống. Lúc đó, một người chị kết nghĩa thân thiết đã rủ và hướng dẫn cách làm giá đỗ, chị liền học theo ngay. Ban đầu, do chưa có vốn, mỗi ngày, chị chỉ làm chừng 20 kg giá đỗ và tự đem đi bán ở chợ thị trấn, trừ hết chi phí chỉ đủ tiền gạo hằng ngày cho cả gia đình, không có vốn để dành.

Năm 1992, sau khi sinh con đầu lòng, chị có dấu hiện đau chân nhưng không xác định được bệnh. Nghề làm giá đỗ lại vừa bắt đầu ổn định nên chị nén chịu những cơn đau để vừa chăm con vừa cùng chồng phát triển kinh tế. Năm 1995, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 5 triệu đồng qua kênh của Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Lộc Bình, chị mạnh dạn mở rộng quy mô. Vừa tìm hiểu, học hỏi thêm kỹ thuật, chị vừa mạnh dạn tăng số lượng sản phẩm. Để có giá đỗ tươi ngon, hằng ngày, chị thức dậy từ 1 giờ sáng để canh, thử thực hiện các công đoạn làm giá đỗ khác nhau để có được mẻ giá đỗ ngon nhất mặc cho có lúc những cơn đau thấu xương ập tới, chị vẫn cắn răng vượt qua.

Đến năm 2006, khi vượt quá sức chịu đựng, chị đi khám thì được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương. Vô cùng tuyệt vọng nhưng vì thương con, chị quyết tâm đấu tranh với bệnh tật. Năm 2008, chị xuống Hà Nội ròng rã 3 năm trời chữa bệnh tại nhiều bệnh viện như: Việt Đức, Bạch Mai, Viện K…. Trải qua hàng chục lần xạ trị đau đớn, chị vẫn cắn răng vượt qua tất cả. Năm 2010, được bác sỹ yêu cầu cắt bỏ chân trái để ngăn tế bào ung thư phát triển, chị đồng ý để giữ lấy sự sống.

May mắn đã mỉm cười khi ca phẫu thuật của chị thành công. Trở về nhà khi không còn lành lặn, chị không cho phép mình nghỉ ngơi mà tiếp tục quay lại với “nghề”. Chị Xuyến tâm sự: Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi tôi phải dùng nạng mới đi lại được, mọi sinh hoạt đều thay đổi, tôi không thể tự mình vận chuyển nguyên vật liệu như trước đây, mọi việc đều cần sự hỗ trợ của chồng con. Dần dần, tôi tìm cách khắc phục để tự mình làm được nhiều việc hơn, như sử dụng vòi nước dài để dẫn nước trực tiếp vào nơi ngâm ủ giá đỗ để không cần phải xách từng xô như trước đây… Vượt qua những rào cản, chị tiếp tục phát triển nghề và dạy lại cho con dâu. Đến nay, với sự hỗ trợ của gia đình, mỗi ngày, chị sản xuất được trên 1,5 tạ giá đỗ, mang lại thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày, trừ chi phí, trung bình mỗi tháng, gia đình chị có trên 15 triệu đồng tiền lãi. Ngoài cung cấp tại địa phương, giá đỗ của chị hằng ngày còn được “phân phối” trên địa bàn Hà Nội.

Chị Hoàng Thị Tường Chu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Lộc Bình cho biết: Chị Xuyến là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình của hội với nghị lực sống và vươn lên trong phát triển kinh tế. Năm 2015, chị nhận bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với thành tích tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ sáng tạo”. Năm 2016, chị được trao giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

HOÀNG NHƯ