Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ ươm cây giống

LSO-Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, từ hộ cận nghèo đến nay, chị Hoàng Thị Luận, thôn Voi Xô, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng đã vươn lên là một trong những hộ có thu nhập khá.
Chị Nguyễn Thị Luận chọn cây giống để xuất bán

Chị Luận sinh năm 1978 trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Là con út nên chị được bố mẹ cho học hành đầy đủ. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp lớp 12, chị đi học tại Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp 1 Trung ương (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc). Sau hai năm học ra trường, chị Luận xin vào làm công nhân tại Lâm trường 1 Hữu Lũng. Với nhiều thành tích tiêu biểu trong công việc chuyên môn và tu dưỡng đạo đức, năm 2001, chị Luận  được kết nạp Đảng.

Năm 2002, chị chuyển về làm cấp dưỡng ở Lâm trường 3. Tại đây, chị tiếp tục được cử đi học tại Trường Trung học Lâm nghiệp 1 Trung ương ở Yên Hưng – Quảng Ninh, sau đó, chị về công tác ở Đội Lâm nghiệp Phì Phà, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng.

Bén duyên với mảnh đất Hòa Thắng, năm 2007, chị Luận xây dựng gia đình và bắt đầu khởi nghiệp từ đây. Chị Luận tâm sự: Hồi đó, hai vợ chồng tôi mới ra ở riêng được bố mẹ chia cho 0,4 ha bạch đàn và một đôi trâu. Không có vốn nên tôi bàn với chồng bán gỗ bạch đàn và trâu để lấy vốn làm ăn. Sau đó, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thêm 5 triệu đồng. Từ số vốn đó, tôi mua được một nhà cấp 4 và 6 sào đất để làm vườn ươm…

Từ đó, chị lên thời gian biểu khoa học, khi tan giờ làm ở lâm trường thì tranh thủ buổi trưa và cuối giờ chiều về làm vườn ươm của mình. Với những kiến thức được trang bị từ trường nghề cùng với kinh nghiệm làm thêm trước đó, chị quyết định ươm cây keo vì có đầu ra ổn định và có thể tự chủ động về giống. Theo đó, để làm được một mẻ cây giống thì từ lúc ươm đến khi xuất bán phải mất từ 2,5 – 3 tháng. Tuy nhiên, nghề nào cũng có những khó khăn riêng. Với nghề ươm cây giống, theo chị Luận khó nhất là vào mùa đông khi có rét đậm, rét hại, cây rất khó sống. Còn đến mùa hè, cây phát triển thuận lợi thì thời điểm đó cũng có nhiều người làm nên lại khó bán…

Tuy nhiên, với uy tín và chất lượng cây giống đảm bảo nên khách hàng tự tìm đến vườn ươm của chị Luận ngày một nhiều. Đến nay, chị đã có một lượng khách quen ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… thường xuyên đặt hàng. Do đó, cứ vào mùa vụ (tháng 8 -12 âm lịch), chị lại giúp 3 nhân công có việc làm ổn định với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 Bà Nguyễn Thị Nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Chị Nguyễn Thị Luận là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã Hòa Thắng trong phát triển kinh tế.  Cùng với đó, chị luôn dành thời gian tham gia nhiệt tình các phong trào, hoạt động của địa phương. Với những cố gắng đó, năm 2016, chị Luận là một trong 2 cá nhân tiêu biểu của xã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 – 2016.

Hiện nay, bên cạnh việc ươm cây giống chị Luận đang tập trung trồng và chăm sóc 5 ha rừng bạch đàn gồm rừng liên doanh với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc và rừng của gia đình. Từ ươm cây giống và khai thác rừng trồng, trừ chi phí gia đình chị Luận đạt mức thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

NGUYỄN PHƯƠNG